Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng
Chủ văn bằng bảo hộ là một chủ thể của quyền đối với giống cây trồng. Vậy quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định thế nào? Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng có gì khác quyền và nghĩa vụ của tác giả giống cây trồng?
Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Điều 186 và Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể như sau:
Quyền của chủ bằng bảo hộ
Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:
– Sản xuất hoặc nhân giống;
– Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
– Chào hàng;
– Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;
– Xuất khẩu;
– Nhập khẩu;
– Lưu giữ để thực hiện các hành vi nêu trên.
Các quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng nêu trên được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.
Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng trong trường hợp chủ thể khác thực hiện các hành vi sau:
– Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ;
– Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;
– Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định về Quyền tạm thời đối với giống cây trồng
Chủ bằng bảo hộ có quyền để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
Xem thêm: Quyền của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp
Nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ
Chủ bằng bảo hộ có các nghĩa vụ sau đây:
– Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thoả thuận; trường hợp không có thoả thuận thì mức trả thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật. Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo một trong các hình thức sau:
+ Theo thỏa thuận giữa chủ bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng;
+ Trường hợp không thỏa thuận được, mức thù lao trả cho tác giả là 35% số tiền thu được ghi trên hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng sau khi nộp thuế theo quy định. Nếu chủ bằng bảo hộ sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh thì phải trả cho tác giả 10% số tiền làm lợi mà chủ bằng bảo hộ thu được, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ là bên nhận chuyển nhượng. Trong trường hợp giống cây trồng được tạo ra bởi đồng tác giả, mức thù lao này là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ bằng bảo hộ chi trả;
+ Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước, chủ bằng bảo hộ trả thù lao cho tác giả theo quy chế nội bộ. Trường hợp không có quy định trong quy chế nội bộ, thì áp dụng mức thù lao theo quy định nêu trên;
+ Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của giống cây trồng đó, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ đã được chuyển nhượng.
– Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định. Nộp lệ phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong thời hạn ba (03) tháng sau ngày cấp bằng bảo hộ đối với năm hiệu lực đầu tiên và tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm sau.
– Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo quy định. Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, vật liệu và vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo như các tính trạng mô tả tại thời điểm cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.
Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Quy định về quyền đối với giống cây trồng trong Luật Sở hữu trí tuệ
Quy định về xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu bí mật kinh doanh được xác lập trên [...]
Đối tượng và thời hạn sử dụng trong hợp đồng sử dụng quyền tác giả
Hợp đồng sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan là một loại hợp đồng được quy định trong luật sở hữu trí tuệ. [...]