Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo 2018
Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo được quy định thế nào theo Luật tố cáo 2018? Cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khái niệm tố cáo và giải quyết tố cáo
Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo quy định khái niệm tố cáo như sau: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Người giải quyết tố cáo là ai?
Người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo
Quyền của người giải quyết tố cáo
Khoản 1 Điều 11 Luật tố cáo quy định người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:
– Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được;
– Yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
– Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;
– Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
– Kết luận nội dung tố cáo;
– Xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật tố cáo, người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
– Không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo;
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;
– Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
– Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;
– Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
– Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ; tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;
– Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo 2018 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm:Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh quy định thế nào?
Hát karaoke gây ồn ào trong ngày lễ phạt bao nhiêu?
Theo quy định, nếu hoạt động hát karaoke trong ngày lễ mà gây ồn ào có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Hãy cùng LawKey [...]
Tư vấn hôn nhân gia đình qua tổng đài miễn phí
Khách hàng đang gặp vấn đề về hôn nhân nhưng không biết làm thế nào để giải quyết thắc mắc, hãy liên hệ ngay qua tổng [...]