Quyền và nghĩa vụ của người sản xuất đối với chất lượng hàng hóa
Quyền và nghĩa vụ của người sản xuất đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định như thế nào? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.
Quy định chung
Người sản xuất là ai?
Người sản xuất là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất.
Sản phẩm và hàng hóa là gì?
Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.
Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là gì?
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quyền của người sản xuất
1. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Yêu cầu người bán hàng hợp tác trong việc thu hồi và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
3. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trường hợp chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước thì người sản xuất lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.
4. Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo quy định của pháp luật.
5. Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
6. Khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
7. Quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp.
Nghĩa vụ của người sản xuất
1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định về Điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
2. Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng.
3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.
5. Thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
6. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
7. Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại.
8. Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
9. Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
10. Chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp.
11. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
12. Trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định.
13. Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của người sản xuất đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cơ cấu tổ chức của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về [...]
Chứng thực chữ ký theo quy định mới nhất tại Thông tư 01/2020/TT-BTP
Thông tư 01/2020/TT-BTP được ban hành ngày 03 tháng 3 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2020. Chứng thực chữ [...]