Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng dân sự theo quy định hiện nay
Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng dân sự được pháp luật dân sự quy định tại Điều 421 và 422 Bộ luật dân sự 2015. Vậy cụ thể nội dung này được hiểu thế nào?
Sửa đổi hợp đồng dân sự là gì?
Sửa đổi hợp đồng dân sự là việc các bên đã tham gia giao kết hợp đồng bằng ý chí tự nguyện của mình thỏa thuận với nhau để phủ nhận ( làm thay đổi) một số điều khoản trong nội dung của hợp đồng đã giao kết.
Sau khi hợp đồng đã được sửa đổi, các bên thực hiện hợp đồng theo những phần không bị sửa đổi trong nội dung của hợp đồng trước đó cùng với những nội dung mới được sửa đổi đồng thời, cùng nhau giải quyết những hậu quả khác của việc sửa đổi hợp đồng.
Khoản 3 Điều 421 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định hình thức ghi nhận việc sửa đổi hợp đồng phải phù hợp với hình thức của hợp đồng đã giao kết và hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu.
Các trường hợp sửa đổi hợp đồng dân sự
Khoản 2 Điều 421 BLDS quy định hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, cụ thể:
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
– Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
– Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
– Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Lưu ý: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chấm dứt hợp đồng dân sự
Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
Hợp đồng đã được hoàn thành
Khi các bên tham gia hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ và mỗi bên đều đã đáp ứng được quyền dân sự của mình thì hợp đồng được coi là hoàn thành
Theo thỏa thuận của các bên
Trong những trường hợp bên có nghĩa vụ không có khả năng để thực hiện hợp đồng hoặc nếu hợp đồng được thực hiện sẽ gây ra tổn thất lớn về vật chất cho một hoặc cả hai bên thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng đã giao kết được coi là chấm dứt tại thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận nói trên
Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại
Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện
Không phải mọi trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc tổ chức khác giao kết hợp đồng chấm dứt thì hợp đồng đều được coi là chấm dứt mà chủ những hợp đồng nào mà do tính chất của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó hoặc do các bên đã thỏa thuận trước là người có nghĩa vụ phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đó hay chỉ người có quyền mới được hưởng lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì khi họ chết, hợp đồng mới chấm dứt.
Ví dụ: A kí kết một hợp đồng với họa sĩ tạo hình là B. Theo đó, B phải hoàn thành cho A một bức tượng nghệ thuật tại nhà A. Nếu hợp đồng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong mà B chết thì hợp đồng đó đương nhiên chấm dứt.
Xem thêm: Tuyên bố mất tích và tuyên bố chết theo quy định của pháp luật
Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện
Khi có một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phần hợp đồng chưa thực hiện sẽ chấm dứt, hợp đồng được coi là chấm dứt kể từ thời điểm bên vi phạm nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ bên bị vi phạm. Khi hợp đồng bị chấm dứt, bên có nghĩa vụ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng các bên phải thanh toán phần hợp đồng đã được thực hiện.
Pháp luật cho phép các bên trong hợp đồng được thỏa thuận về việc một bên có quyền hủy hợp đồng nếu bên kia bi phạm hợp đồng. Trong những trường hợp đó, bên bị vi phạm hợp đồng có quyền đơn phương hủy hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Khi một bên hủy hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên phải hoàn trả cho nhau những tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng vật thì phải hoàn trả bằng tiền
Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn
Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là một vật đặc định hoặc đơn chiếc mà do bị mất hoặc bị tiêu hủy hay các lí do khác nên vật đó không còn thì hợp đồng đó đương nhiên được coi là chấm dứt vào thời điểm vật là đối tượng của hợp đồng không còn. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận vẫn duy trì hợp đồng đó bằng cách thay thế vật không còn bằng một vật khác
Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Trường hợp khác do luật quy định
Trên đây là nội dung Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng dân sự theo quy định hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Sự khác biệt giữa cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi là hai loại cổ phiếu phổ biến trong đầu tư kinh doanh chứng khoán. Sự khác biệt [...]
Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con
Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh [...]