Quy định pháp luật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Những nội dung bạn đọc cần biết về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là gì? Đối tượng áp dụng và mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì?
Theo Điều 142, 143 Bộ luật lao động 2012, TNLĐ, BNN được định nghĩa như sau:
+ Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
+ Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Người bị TNLĐ và BNN sẽ được hưởng các chế độ về TNLĐ, BNN theo quy định pháp luật khi đáp ứng đầu đủ những điều kiện nhất định.
Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN
Theo khoản 1 Điều 43 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015: “Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bao gồm:
Đối tượng người lao động:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Đối tượng người sử dung lao động
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bao gồm:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Lưu ý: Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo khoản 1 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh thực phẩm, Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, LawKey gửi tơi bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ như thế nào?
Mang thai hộ mục đích nhân đạo là hành vi được pháp luật cho phép, điều này đã giúp rất nhiều bà mẹ không có khả [...]
Vấn đề đối thoại trong lao động
Vấn đề đối thoại trong lao động Đối thoại tại nơi làm việc, một hoạt động dường như không mấy được quan tâm, [...]