Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo quy định của pháp luật
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Đây là một đối tượng có điều kiện bảo hộ cao, yêu cầu trình độ sáng tạo và tính mới trên toàn thế giới. Vậy pháp luật quy định thế nào về việc thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế?
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định việc thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế tại Điểm a Khoản 1 Điều 114 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 25 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN. Cụ thể, việc thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế gồm môt số nội dung chính sau:
Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại Văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích
Đối tượng nêu trong đơn đăng ký sáng chế bị coi là không phù hợp với loại Văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích mà người nộp đơn yêu cầu được cấp (Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích) nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải là sản phẩm hoặc quy trình.
Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế – là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.
Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người;
+ Sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người;
+ Sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
– Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.
Đối tượng nêu trong đơn không được coi là giải pháp kỹ thuật trong các trường hợp sau đây:
Đối tượng nêu trong đơn chỉ là ý tưởng hoặc ý đồ, chỉ nêu (đặt) vấn đề mà không phải là cách giải quyết vấn đề, không trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” hoặc/và “bằng phương tiện gì”;
– Vấn đề (nhiệm vụ) được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng cách thức kỹ thuật;
– Các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.
Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp
Giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là “có thể thực hiện được” nếu:
– Các thông tin về bản chất của giải pháp cùng với các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất ra hoặc có thể sử dụng, khai thác hoặc thực hiện được giải pháp đó;
+ Khái niệm “người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng” được hiểu là Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
– Việc tạo ra, sản xuất ra, sử dụng, khai thác hoặc thực hiện giải pháp nêu trên có thể được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống với kết quả nêu trong bản mô tả sáng chế.
Giải pháp kỹ thuật bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
– Bản chất của đối tượng hoặc các chỉ dẫn nhằm thực hiện đối tượng đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học (ví dụ không tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng…);
– Đối tượng bao gồm các yếu tố, thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc …) được với nhau;
– Đối tượng có chứa mâu thuẫn nội tại;
– Chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số giới hạn lần thực hiện (không thể lặp đi lặp lại được);
– Để có thể thực hiện được giải pháp, người thực hiện phải có kỹ năng đặc biệt và kỹ năng đó không thể truyền thụ hoặc chỉ cho người khác được;
– Kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất với nhau;
– Kết quả thu được khác với kết quả nêu trong đơn;
– Hoàn toàn không có hoặc thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp;
– Các trường hợp có lý do xác đáng khác.
Đánh giá tính mới
Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó):
– Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định – tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày công bố sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định;
– Các đơn đăng ký sáng chế hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức, quốc gia khác công bố, trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu sáng chế có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định, với phạm vi tra cứu quy định trên.
Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến các báo cáo khoa học, báo cáo kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu và các tài liệu khác thuộc cùng lĩnh vực kỹ thuật được công bố và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Mục đích tra cứu
Mục đích của việc tra cứu thông tin là tìm giải pháp kỹ thuật có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn.
– Hai giải pháp kỹ thuật được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
– Hai giải pháp kỹ thuật được coi là tương tự nhau khi có phần lớn các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
– “Giải pháp kỹ thuật đối chứng” là giải pháp kỹ thuật trùng hoặc tương tự gần nhất với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;
– “Tài liệu đối chứng” là tài liệu đã mô tả giải pháp kỹ thuật đối chứng hoặc chứng cứ chứng minh giải pháp kỹ thuật đối chứng đã được bộc lộ công khai.
Báo cáo tra cứu
Kết quả tra cứu thông tin phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê các giải pháp kỹ thuật đối chứng tìm thấy được, chỉ rõ các dấu hiệu trùng nhau, tên tài liệu đối chứng, số trang, số dòng, nguồn gốc tài liệu và ngày công bố của tài liệu tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).
Cách đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của giải pháp kỹ thuật đó với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đối chứng được tìm thấy trong quá trình tra cứu thông tin; trong đó:
– Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần… cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng;
– Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, trong các văn bằng bảo hộ được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế;
– Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp kỹ thuật đó.
Kết luận về tính mới của giải pháp kỹ thuật
Tương ứng với một điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nếu:
– Không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin; hoặc
– Có tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng nhưng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có mặt trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt).
Đánh giá trình độ sáng tạo
Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Khi đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó) giống với quy định về nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc của “Đánh giá tính mới”
Đánh giá trình độ sáng tạo
Việc đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được thực hiện bằng cách đánh giá dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ để đưa ra kết luận:
– Dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt có bị coi là đã được bộc lộ trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc hay không, và;
– Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là có tính hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hay không.
+ Ứng với một điểm thuộc phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật được coi là có trình độ sáng tạo nếu việc đưa dấu hiệu cơ bản khác biệt vào tập hợp các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo và không phải là kết quả hiển nhiên của hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Trong các trường hợp sau đây (nhưng không phải chỉ trong các trường hợp đó), ứng với một điểm thuộc phạm vi bảo hộ, giải pháp kỹ thuật bị coi là không có trình độ sáng tạo:
– Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt mang tính hiển nhiên (bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng);
– Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một/một số giải pháp kỹ thuật nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc;
– Giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết.
Cụ thể:
– Hai dấu hiệu được coi là đồng nhất nếu có cùng bản chất;
– Hai dấu hiệu được coi là tương đương nếu có bản chất tương tự nhau có cùng mục đích và cách thức đạt được mục đích cơ bản là giống nhau.
Xem thêm: Nhãn hiệu: Khả năng phân biệt của dấu hiệu kết hợp
Trên đây là nội dung Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Sáng chế: Thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Thủ tục xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định hiện nay
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đối với mỗi đối tượng sở hữu công nghiệp đều yêu cầu những nội dung khác nhau. [...]
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định mới nhất
Để đăng ký nhãn hiệu thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm những gì? Trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định [...]