Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập công ty bảo hiểm
Theo quy định pháp luật thì cơ quan cấp Giấy phép thành lập cho công ty bảo hiểm? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập công ty bảo hiểm
Theo Điều 71 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm như sau:
- Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập công ty bảo hiểm.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty bảo hiểm
Theo Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
2. Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
3. Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
4. Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
5. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 của các tổ chức, cá nhân đó;
6. Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Thời hạn cấp giấy phép thành lập công ty bảo hiểm
Theo Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính đồng thời có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đối với người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán.
>>Xem thêm: Ai có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Giải đáp một vài vướng mắc liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Bài viết nãy sẽ là giải [...]
Những điều cần biết về bảo hiểm y tế tự nguyện
Bảo hiểm y tế tự nguyện là hình thức bảo hiểm do Nhà nước thực hiện không vì mục đích lợi nhuận để mọi người [...]