Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi năm 2023
Hiện nay theo pháp luật Việt Nam thì cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi năm 2023
Theo Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 24/2019/NĐ-CP) hướng dẫn Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:
♣ Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
♣ Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.
Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
♣ Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ.
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
Theo Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài như sau:
Người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.
Ngoài lệ phí đăng ký nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010.
Ngoài lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nuôi con nuôi nước ngoài không được đặt ra bất kỳ khoản thu nào khác.
Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi
Theo Điều 4 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi như sau:
- Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
- Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Người được nhận làm con nuôi
Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định những người được nhận làm con nuôi bao gồm:
♣ Trẻ em dưới 16 tuổi
♣ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
♣ Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
♣ Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
>>Xem thêm: Các trường hợp xác nhận thông tin hộ tịch của cá nhân
Trên đây là bài viết về: Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi năm 2023. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Theo quy định của pháp luật có được lập hợp đồng tiền hôn nhân không?
Vấn đề tài sản chung của vợ và chồng được quy định rõ ràng tại pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên có nhiều [...]
Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước được thực hiện thế nào?
Hồ sơ để nhận nuôi con nuôi trong nước được chuẩn bị bao gồm những giấy tờ nào? Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong [...]