Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài
Hiện nay, để thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (TCTD) cần thực hiện thủ tục nào?
Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, VBHN 48/VBHN-NHNN, thủ tục xin Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (Giấy phép thành lập) gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
TCTD lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (NHNN chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.
Hồ sơ
Theo Điều 18 VBHN 48/VBHN-NHNN, hồ sơ xin Giấy phép thành lập gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập theo mẫu dưới đây.
2. Bản sao Giấy phép hoạt động hoặc văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp cho TCTD.
3. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cung cấp thông tin về tình hình tuân thủ pháp luật của TCTD.
4. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cho phép TCTD thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam; trường hợp quy định của nước nguyên xứ không yêu cầu phải có văn bản cho phép thì phải có bằng chứng chứng minh việc này.
5. Báo cáo quá trình thành lập, hoạt động của TCTD cho đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và định hướng phát triển của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
6. Báo cáo tài chính năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đã được kiểm toán của TCTD.
7.Sơ yếu lý lịch của Trưởng Văn phòng đại diện dự kiến theo mẫu có xác nhận của TCTD; Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của Trưởng Văn phòng đại diện dự kiến tại Việt Nam.
8.Văn bản chứng minh quyền sử dụng hoặc sẽ có quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của văn phòng đại diện.
Lưu ý:
1) Hồ sơ được lập thành 02 bộ gốc gồm một bộ bằng tiếng Việt và một bộ bằng tiếng Anh, trong đó:
a) Bộ hồ sơ tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, trừ các tài liệu sau: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ gửi trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước và các báo cáo tài chính được lập trực tiếp bằng tiếng Anh.
b) Các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam;
c) Bản dịch các báo cáo tài chính phải được xác nhận của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề dịch thuật theo quy định của pháp luật;
d) Các văn bản tiếng Việt là bản gốc (hoặc sao từ bản gốc tiếng Việt) được lập tại Việt Nam không cần phải dịch ra tiếng Anh.
2) Trường hợp các giấy tờ là bản sao mà không phải là bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
3) Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu trong bộ hồ sơ.
4) Hồ sơ phải do người đại diện theo pháp luật của TCTD ký.
Bước 2: NHNN chi nhánh xác nhận hồ sơ
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản gửi TCTD xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, NHNN chi nhánh có văn bản gửi TCTD yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cấp Giấy phép thành lập
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản trả lờiTCTD, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của TCTD
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
Kính gửi: Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố…
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Thông tư số 40/2011/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam và Thông tư số………. sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN;
Nay, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (tên) đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố… xem xét cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (tên) với nội dung sau đây:
1. Tên của văn phòng đại diện:
– Tên đầy đủ bằng tiếng Việt
– Tên đầy đủ bằng tiếng Anh
2. Địa điểm đặt trụ sở dự kiến của văn phòng đại diện:
3. Nội dung hoạt động:
4. Thời gian hoạt động:
5. Danh sách dự kiến bổ nhiệm trưởng văn phòng đại diện của văn phòng đại diện (nêu rõ họ, tên).
Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (tên)… xin cam kết:
– Về tính chính xác, trung thực của nội dung trong đơn, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
– Sau khi được cấp Giấy phép, chúng tôi sẽ thực hiện việc đăng ký kinh doanh, đăng ký ngày khai trương và công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
– Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước; nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
…, ngày… tháng… năm…
Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức
nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng
(Ký, đóng dấu và ghi đầy đủ họ tên)
Trên đây là nội dung tư vấn Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Điều kiện thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài
Bán đấu giá tài sản là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay
Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ [...]
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
Chủ sở hữu có một số quyền đối với tài sản của mình như chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Đối với tài sản [...]