Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật
Pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ các quyền của chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do họ tạo ra. Pháp luật Việt Nam quy định về thời hạn bảo hộ quyền tac giả nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Vậy pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian do pháp luật quy định, trong đó các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người thừa kế quyền tác giả được Nhà nước bảo hộ.
Thời hạn bảo hộ được quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Theo đó, có thể xác định về thời hạn bảo hộ như sau:
Bảo hộ vô thời hạn
Các quyền được pháp luật bảo hộ vô thời hạn là các quyền nhân thân gắn liền với tác giả không thể chuyển dịch, bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả..
Bảo hộ có thời hạn
Các quyền đối với tác phẩm được pháp luật bảo hộ có thời hạn bao gồm quyền nhân thân có thể chuyển dịch (quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm) và các quyền tài sản. Theo quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ có hai cách tính thời hạn bảo hộ quyền tác giả:
– Đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mĩ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: là những tác phẩm có thời hạn bảo hộ không tính theo nguyên tắc đời người.
+ Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO cũng như tham gia kí kết một số điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến quyền tác giả. Vì vậy, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này phải phù hợp và tương thích với các cam kết quốc tế, bao gồm: Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs), Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (Công ước Beme) và Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kì (BTA).
+ Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mĩ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình. Việc xác định thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mĩ thuật ứng dụng trong trường hợp này được hiểu là nếu tác phẩm đó đã được công bố trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình trên một hình thái vật chất thì thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm; nếu càng công bố muộn thì thời hạn bảo hộ sẽ ít đi.
Ví dụ: Tác phẩm đã được định hình nhưng đến năm thứ 40 tác giả mới công bố thì thời hạn bảo hộ chỉ còn sáu mươi năm kể từ khi công bố.
+ Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn bảo hộ được tính từ khi tác phẩm đó được định hình. Việc xác định thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu trong trường hợp này được hiểu là nếu tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu đã được định hình theo hình thái vật chất nhất định nhưng chưa được công bố thì thời điểm bắt đầu để xác định thời hạn bảo hộ (năm mươi năm) là thời điểm tác phẩm đó được định hình. Nếu hết năm mươi năm đó tác phẩm mới được công bố thì sẽ không được bảo hộ nữa.
+ Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm mà tác giả không đứng tên trên tác phẩm đó hoặc hoặc chỉ đề kí hiệu trên tác phẩm nhưng kí hiệu đó không đủ cơ sở để xác định chính xác về tác giả của tác phẩm. Trong thời hạn trên, người được hưởng quyền đối với tác phẩm khuyết danh là Nhà nước, trong trường hơp tác phẩm khuyết danh cho các tổ chức, cá nhân đang quản lí thì tổ chức, cá nhân đó được hưởng quyền đối với tác phẩm.
Khi các thông tin về tác giả xuất hiện trong thời hạn năm mươi năm kể từ khi tác phẩm khuyết danh được công bố lần đầu tiên đủ để xác định danh tính của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khuyết danh thì các quyền đối với tác phẩm đó thuộc về họ và sẽ được bảo hộ kể từ ngày danh tính của họ được xác định cho đến năm mươi năm sau khi họ chết (nếu tác phẩm khuyết danh đó không thuộc tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mĩ thuật ứng dụng).
– Đối với tác phẩm di cảo thì thời hạn bảo hộ là năm mươi năm kể từ khi tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên. “di cảo” được hiểu là bản thảo tác phẩm của người chết để lại. Theo đó, có thể hiểu tác phẩm di cảo là tác phẩm chỉ được phát hiện sau khi tác giả của tác phẩm đã chết. Vì vậy, khi tác giả còn sống thì tác phẩm đã được định hình theo hình thái vật chất nhất định nhưng chưa ai biết về tác phẩm đó nên thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm này không được xác định theo thời điểm tác phẩm được định hình.
– Đối với tác phẩm thuộc các loại hình khác thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Trong đó, đối với tác phẩm do một tác giả sáng tạo thì thời điểm bắt đầu để tính năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết là thời điểm tác giả đó chết hoặc được coi là đã chết. Đối với tác phẩm do các đồng tác giả cùng sáng tạo thì thời điểm bắt đầu để tính năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết là thời điểm tác giả cuối cùng chết hoặc được coi là đã chết.
Việc pháp luật quy định về bảo hộ quyền tác giả năm mươi năm sau khi tác giả chết nhằm xác định quyền để lại thừa kế của tác giả đối với tác phẩm cho những người thừa kế của họ. Vì vậy, khi tác giả chết quyền tác giả cũng là loại di sản thừa kế và được chuyển dịch theo quy định của pháp luật thừa kế.
Lưu ý, Thời hạn bảo hộ theo quy định nêu trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Trên đây là nội dung Thời hạn bảo hộ quyền tác giả Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Phân loại tác phẩm
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cách xác định mức bồi thường thiệt hại
Những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây ra những tổn thất về vật chất và tinh thần của chủ sở hữu [...]
Nguyên tắc ưu tiên khi xét đơn yêu cầu bảo hộ
Quyền ưu tiên sẽ được áp dụng khi có ít nhất 2 đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một đối tượng nhất định [...]