Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa là bao lâu?
Theo quy định của pháp luật thì thời hạn cho thuê lại lao động tối đa là bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa là bao lâu?
Cụ thể tại Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 quy định nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:
♣ Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
♣ Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
- Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
- Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
- Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
♣ Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
- Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
- Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
♣ Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Như vậy, thời hạn cho thuê lại lao động tối đa là 12 tháng.
Cho thuê lại lao động vượt quá thời hạn bị phạt thế nào?
Theo điểm c khoản 6 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có hành vi cho thuê lại lao động đối với người lao động vượt quá 12 tháng.
Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên (Điểm a khoản 8 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động;
- Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động;
- Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động;
- Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;
- Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.
>>Xem thêm: Không có nội quy lao động có được xử lý kỷ luật nhân viên?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Từ 01/7/2025, không còn được hưởng 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau dài ngày
Không còn được hưởng 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau dài ngày từ 01/7/2025? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]
Người lao động đang thử việc có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc?
Người lao động và người sử dụng lao động có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc? Bài viết dưới đây LawKey sẽ [...]