Thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật
Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh một cá nhân có hay không có án tích. Vậy, thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp được quy định thế nào?
Phiếu lý lịch tư pháp là gì?
Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp gồm có 2 loại là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Trong đó:
– Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 là phiếu cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức;
– Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là loại phiếu cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng (gồm Công an, Viện kiểm sát và Tòa án) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó nắm được nội dung về lý lịch tư pháp của bản thân mình.
Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Các cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp. Cụ thể
– Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp:
+ Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
+ Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
– Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
+ Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
+ Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Xem thêm: Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
Cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam
Quy định của pháp luật về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp
Hiện nay, pháp luật về lý lịch tư pháp gồm Luật Lý lịch tư pháp 2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hiện nay không có quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản pháp luật khác.
Quy định tại Luật quốc tịch 2008
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật quốc tịch 2008 thì “Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ”
Quy định tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định thời hạn sử dụng của giấy tờ trong đó quy định:
– Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi;
– Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài và của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.
Quy định tại Luật Công chứng 2014 và Luật Luật sư 2012
Khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng 2014 quy định trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải có Phiếu Lý lịch tư pháp.
ĐIểm c Khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư 2012 quy định trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có Phiếu Lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên cả hai văn bản Luật nêu trên cũng không có quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp. Ngoài ra, trong tuyển dụng công chức hiện nay, nhiều cơ quan chỉ quy định thành phần hồ sơ phải có Phiếu Lý lịch tư pháp mà cũng không nêu rõ là Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp từ thời điểm nào.
Xem thêm: Công chứng viên và tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định hiện nay
Một số quy định khác có liên quan
Bên cạnh đó, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam cũng quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp khi giải quyết yêu cầu xin cấp thị thực, chẳng hạn như Lãnh sự quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định các đương đơn xin thị thực nhập cảnh từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu ý lịch tư pháp có giá trị được cấp trong vòng một năm
Như vậy, thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay không được quy định rõ ràng, thống nhất mà phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tình trạng án tích của đương sự.
Trên đây là nội dung Thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Mẫu tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân
Quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam hiện nay
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, [...]
Các phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật
Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Dưới đây là các phí bảo hiểm tiền gửi theo [...]