Thông tư 165/1998/TT-BTC hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định thuộc khu vực hành chính sự nghiệp
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1998 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 165/1998/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN KẾT QUẢ KIỂM KÊ VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH KHU VỰC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP TẠI 0h NGÀY 01/01/1998
Thi hành Quyết định số 466/TTg ngày 02 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành tổng kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp ở thời điểm 0h ngày 01/01/1998, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định thuộc khu vực hành chính sự nghiệp như sau:
– Kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ của các đơn vị HCSN cấp cơ sở phải được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp kiểm tra, xác nhận số liệu và ra thông báo xác nhận kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định về số lượng, chất lượng, giá trị, nguồn hình thành và hiện trạng sử dụng từng tài sản. Trên cơ sở đó, đơn vị có những biện pháp nhằm chấn chỉnh và đưa công tác quản lý, hạch toán tài sản cố định đi vào nề nếp.
– Căn cứ vào quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về từng trường hợp xử lý tài sản, kế toán như sau:
1- Kế toán TSCĐ thừa phát hiện trong kiểm kê:
a- Giá trị của đất: Phản ánh giá trị tài sản là đất của đơn vị hành chính sự nghiẹp đang quản lý, sử dụng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Đất khuôn viên trụ sở làm việc, đất thuộc phạm vị quản lý của các trạm nghiên cứu, thí nghiệm đất trại giam, trại cải tạo, đất khuôn viên của các công trình phúc lợi chung, đất thuộc khuông viên nhà ở,… (theo quy định trong phương án tiến hành kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ ngày 7 tháng 10 năm 1997 của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương về đối tượng kiểm kê là đất).
– Giá trị của đất, nếu trước đây chưa được ghi sổ kế toán, căn cứ vào Biểu số 02-KK/HCSN và Biểu số 02-BC/KK/HCSN để ghi vào sổ theo dõi tài sản cố định (Mẫu sổ số S31-H) loại tài sản là đất để theo dõi chi tiết cho từng khu đất. Nguyên giá của từng khu đất ghi vào sổ tài sản cố định (cột 8) chia làm 2 trường hợp như sau:
+ Nếu năm1998 mở sổ kế toán tài sản cố định mới (Mẫu sổ số S31-H) thì lấy giá trị tài sản đất theo kiểm kê (chỉ tiêu 5 trên phiếu kiểm kê số 02-KK/HCSN) để ghi vào cột nguyên giá trên sổ kế toán TSCĐ;
+ Nếu năm1998 đơn vị chưa mở sổ kế toán TSCĐ mới mà vẫn tiếp tục ghi vào sổ kế toán tài sản cố định cũ thì phải lập chứng từ ghi bổ sung phần chênh lệch giữa giá trị tài sản đất theo kiểm kê (chỉ tiêu 5) trừ (-) chi phí để được sử dụng đất theo sổ kế toán (chỉ tiêu 3) của phiếu kiểm kê biểu số 02-KK/HCSN.
Đồng thời căn cứ vào dòng tổng cộng chi phí để được sử dụng đất theo sổ kế toán (cột 2) Giá trị tài sản là đất thực tế kiểm kê (cột 6) của biểu số 02-BC/KK/HCSN để xác định phần giá trị tài sản là đất phải ghi bổ sung, lập chứng từ ghi tăng phần giá trị tài sản là đất. Căn cứ vào chứng từ, kế toán ghi:
Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (2111)
Có TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
b- Tài sản cố định hữu hình không phải là đất:
– Nếu TSCĐ dùng trong HCSN khi kiểm kê phát hiện thừa do chưa ghi sổ kế toán TSCĐ, kế toán căn cứ vào phiếu kiểm kê Biểu số 01-KK/HCSN và hồ sơ TSCĐ để ghi các chỉ tiêu cần thiết vào sổ kế toán TSCĐ (Mẫu sổ số S 31- H). Đồng thời tổng hợp toàn bộ giá trị những tài sản chưa ghi sổ, lập chứng từ hạch toán tăng giá trị TSCĐ theo nguyên giá, giá trị còn lại theo kiểm kê. Trên cơ sở đó, xác định giá trị hao mòn thực tế, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá theo kiểm kê)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã hao mòn)
Có TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
(Theo giá trị còn lại của TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN).
– Nếu TSCĐ thuộc nguồn vốn kinh doanh khi phát hiện thừa, ghi:
Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá theo kiểm kê)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã hao mòn)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (giá trị còn lại theo kiểm kê).
– Nếu tài sản cố định đơn vị đang sử dụng thuộc chương trình dự án của các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài tài trợ nhưng chưa bàn giao cho phía Việt Nam thì toàn bộ giá trị của TSCĐ coi như TSCĐ thuê ngoài và hạch toán vào bên Nợ tài khoản 001 “Tài sản cố định thuê ngoài”. Sau khi dự án kết thúc, nếu phía nước ngoài bàn giao cho phía Việt Nam, ghi giảm phần TSCĐ thuê ngoài (ghi có TK 001 – TSCĐ thuê ngoài). Đồng thời tiến hành xác định giá trị đã hao mòn và giá trị còn lại của TSCĐ bàn giao. Căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền giao tài sản cố định cho đơn vị nào thì đơn vị đó hạch toán tăng tài sản theo số liệu trên biên bản bàn giao TSCĐ.
– Nếu TSCĐ thừa chưa xác định được nguồn gốc, nguyên nhân, kế toán phản ánh vào khoản phải trả:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (ghi theo nguyên giá kiểm kê)
Có TK 331 – Các khoản phải trả (3318 – Phải trả khác).
Nếu TSCĐ phát hiện thừa được xác định là TSCĐ của đơn vị khác thì báo ngay cho đơn vị có tài sản biết. Nếu không xác đinh được chủ tài sản thì phải báo cho cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp biết để xử lý. Trong thời gian chờ xử lý, kế toán căn cứ vào thông báo xử lý kết quả kiểm kê phản ánh vào Tài khoản 002 – Tài sản nhận giữ hộ (Tài khoản ngoài Bảng cân đối tài khoản) để theo dõi giữ hộ.
2- Kế toán TSCĐ phát hiện thiếu khi kiểm kê:
TSCĐ phát hiện thiếu khi kiểm kê phải được truy cứu nguyên nhân, xác định người chịu trách nhiệm, người phạm lỗi và xử lý theo chế độ quản lý tài sản công của Nhà nước.
a- Tài sản cố định dùng trong hành chính sự nghiệp.
– Trong thời gian chờ quyết định xử lý, kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê đã được cấp có thẩm quyền duyệt y và hồ sơ TSCĐ ghi giảm tài sản cố định trên sổ sách kế toán.
Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại của những TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị đã hao mòn)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
– Phản ánh giá trị của TSCĐ bị thiếu, mất phải thu hồi, ghi:
Nợ TK 311 – Các khoản phải thu (3118 – Phải thu khác) (giá trị còn lại của TSCĐ hoặc chênh lệch giữa giá bắt bồi thường lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Có TK 511 – Các khoản thu (5118 – Các khoản thu khác) (giá trị còn lại của TSCĐ hoặc chênh lệch giữa giá trị bắt bồi thường lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ).
– Khi có quyết định xử lý, căn cứ từng trường hợp cụ thể:
+ Nếu cho phép xoá bỏ thiệt hại do thiếu, mất tài sản, ghi:
Nợ TK 511 – Các khoản thu (5118)
Có TK 311 – Các khoản phải thu (3118).
+ Nếu quyết định người chịu trách nhiệm phải bồi thường, khi thu tiền bồi thường, ghi:
Nợ TK 111 – Tiền mặt
Có TK 311 – Các khoản phải thu (3118)
+ Số tiền bồi thường được ghi tăng nguồn kinh phí hoặc nộp vào ngân sách, ghi:
Nợ TK 511- Các khoản thu (5118)
Có TK 461 – Nguồn kinh phí hoạt động (nếu ghi tăng nguồn kinh phí)
Có TK 333 – Các khoản phải nộp Nhà nước (nếu phải nộp ngân sách)
b- TSCĐ dùng cho bộ phận sản xuất kinh doanh
– Căn cứ vào kết quả kiểm kê, ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 311 – Các khoản phải thu (3118) (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số hao mòn luỹ kế)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
– Khi có quyết định xử lý tài sản thiếu, tuỳ theo Quyết định xử lý, ghi:
Nợ TK liên quan (111,…)
Có TK 311 – Các khoản phải thu (3118)
3- Kế toán kết quả đánh giá lại TSCĐ
Kế toán kết quả đánh giá lại TSCĐ là kế toán khoản chênh lệch tăng, khoản chênh lệch giảm về nguyên giá của những TSCĐ hiện có của đơn vị do đánh giá lại theo hệ thống bảng giá áp dụng cho đợt kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ của Nhà nước khu vực HCSN tại 0h ngày 01/01/1998 với giá đã ghi trên sổ kế toán TSCĐ. Đồng thời với việc đánh giá lại nguyên giá phải xác định lại mức độ hao mòn thực tế của TSCĐ và số chênh lệch giữa hao mòn thực tế với giá trị hao mòn luỹ kế trên sổ kế toán.
Kế toán kết quả đánh giá lại tài sản căn cứ vào phê duyệt của cấp có thẩm quyền và kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ.
a- Kế toán khoản chênh lệch tăng nguyên giá TSCĐ:
Căn cứ vào số liệu tổng hợp nguyên giá tăng (cột 18) (Biểu số 01A -BC/KK/HCSN) đã loại trừ những tài sản thừa chưa ghi sổ đã hướng dẫn ở Mục 1 – b “Tài sản cố định hữu hình không phải là đất” trên cơ sở đó xác định số chênh lệch về giá trị hao mòn, giá trị còn lại của TSCĐ cần phải điều chỉnh tăng tương ứng với phần nguyên giá điều chỉnh tăng. Căn cứ vào số liệu tính được lập chứng từ điều chỉnh tăng nguyên giá trên sổ kế toán TSCĐ:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn điều chỉnh tăng)
Có TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
(Giá trị còn lại TSCĐ điều chỉnh tăng của TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN), hoặc
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
( Giá trị còn lại TSCĐ điều chỉnh tăng của TSCĐ thuộc nguồn vốn SXKD)
b- Kế toán khoản chênh lệch giảm nguyên giá TSCĐ:
Căn cứ vào số liệu tổng hợp nguyên giá giảm (cột 19 Biểu 1A-BC-KK/HCSN) xác định số hao mòn và giá trị còn lại phải điều chỉnh giảm tương ứng với phần nguyên giá điều chỉnh giảm, lập chứng từ điều chỉnh tổng số nguyên giá giảm, ghi:
Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại TSCĐ phải điều chỉnh giảm tương ứng với phần nguyên giá giảm) (TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN)
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (TSCĐ thuộc nguồn vốn SXKD)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn điều chỉnh)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá phải điều chỉnh giảm)
4- Kế toán điều chuyển những tài sản cố định không cần dùng xin điều đi:
– Căn cứ vào quyết định điều chuyển tài sản không cần dùng của cấp có thẩm quyền, kế toán lập chứng từ ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã hao mòn xác định theo kiểm kê)
Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại theo kiểm kê)
Có TK211 – Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá theo kiểm kê).
Đồng thời xoá sổ tài sản này trên sổ TSCĐ bằng cách dùng mực đỏ gạch thẳng ngang một đường từ cột 1 đến cột 16.
+ Đối với tài sản đang theo dõi trên tài khoản ngoài bảng, kế toán ghi giảm TSCĐ (ghi đơn bên có Tài khoản 001- Tài sản thuê ngoài).
5- Kế toán chuyển TSCĐ thành công cụ, dụng cụ lâu bền đang sử dụng:
Theo Quyết định số 351- TC/QĐ/CĐKT ngày 22/5/1997 quy định TSCĐ trong đơn vị HCSN phải thoả mãn đồng thời cả hai tiêu chuẩn:
– Giá trị từ 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) trở lên;
– Có thời gian sử dụng trên một năm.
Một số tài sản giá trị chưa đủ 5.000.000 đ nhưng có thời gian sử dụng trên một năm vẫn được coi là TSCĐ (theo quy định cụ thể).
Căn cứ vào kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ, những TSCĐ không đủ tiêu chuẩn là TSCĐ, kế toán chuyển thanh công cụ, dụng cụ lâu bền đang sử dụng. Khi chuyển tài sản cố định thành công cụ, dụng cụ lâu bền đang sử dụng, kế toán phải liệt kê và tổng hợp toàn bộ những tài sản cố định phải chuyển thành công cụ, dụng cụ lâu bền. Căn cứ vào kết quả tổng hợp đã được phê duyệt lập chứng từ ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã hao mòn)
Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại TSCĐ) (TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN)
Nợ TK 631 – Chi hoạt động sản xuất, kinh doanh (giá trị còn lại TSCĐ (TSCĐ thuộc nguồn vốn SXKD)
Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
Khi chuyển TCSĐ thành công cụ, dụng cụ lâu bền đang sử dụng kế toán phải ghi phần giá trị còn lại của TSCĐ vào bên Nợ tài khoản 005 – Dụng cụ lâu bền đang sử dụng (Tài khoản ngoài bảng)
Về hạch toán chi tiết tài sản cố định trên sổ TSCĐ (Mẫu sổ số S31 – H) phải tiến hành xoá sổ TSCĐ bằng cách dùng mực đỏ gạch ngang một đường từ cột 1 đến cột 16 những TSCĐ chuyển thanh dụng cụ lâu bền đang sử dụng.
6- Kế toán nhượng bán, thanh lý TSCĐ
Khi có những TSCĐ cần bán, thanh lý, đơn vị tiến hành làm các thủ tục theo quy định, khi hoàn thành kế toán ghi sổ:
– Ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã hao mòn)
Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
(Giá trị còn lại TSCĐ) (TSCĐ thuộc nguồn kinh phí HCSN)
Nợ TK 631 – Chi hoạt động sản xuất, kinh doanh
(Giá trị còn lại TSCĐ) (TSCĐ thuộc nguồn vốn SXKD)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình.
– Đồng thời phản ánh số thu được từ bán, thanh lý TSCĐ:
Nợ TK 111, 112
Có TK 511 – Các khoản thu
– Số thu hoặc chênh lệch thu lớn hơn chi từ thanh lý, nhượng bán (sau khi trừ chi phí) phải nộp Nhà nước, ghi:
Nợ TK 511 – Các khoản thu
Có TK 333 – Các khoản phải nộp Nhà nước.
7- Kế toán tiếp nhận TSCĐ từ đơn vị khác chuyển sang
Căn cứ vào biên bản bàn giao TSCĐ, kế toán ghi tăng tài sản cố định:
Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (theo giá trị còn lại)
Có TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
Đồng thời ghi tăng TSCĐ vào sổ tài sản cố định để theo dõi và tính hao mòn TSCĐ
Đối với những tài sản thuộc quyền sở hữu của đơn vị đang cho thuê, cho mượn kế toán vẫn phải theo dõi trên sổ sách và tiến hành kiểm kê, hạch toán kế toán như các trường hợp đã hướng dẫn ở trên.
Đối với những tài sản đi thuê, đi mượn để sử dụng, giá trị tài sản được theo dõi trên Tài khoản 001- Tài sản thuê ngoài, ở ngoài bảng cân đối tài khoản.
Trên đây là hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ trong khu vực HCSN tại thời điểm 0h ngày 01/01/1998. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.
Trần Văn Tá (Đã ký) |
Quyết định 98/2000/QĐ-BTC T về Tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể ngạch công chức kế toán
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******** Số: 98/2000/QĐ-BTC [...]
Thông tư 46-TC/CĐKT hướng dẫn chế độ hạch toán, kế toán tiền, hàng viện trợ
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******** Số: 46-TC/CĐKT Hà Nội, [...]
- Quyết định 98/2001/QĐ-BTC Quy định thi nâng ngạch Kế toán viên sơ cấp lên ngạch Kế toán viên trung cấp và ngạch Kế toán viên sơ cấp, Kế toán viên trung cấp lên ngạch Kế toán viên
- Thông tư 142/2014/TT-BTC hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Quyết định 233/QĐ-BTC ban hành Quy định Chế độ kế toán áp dụng tạm thời cho Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp”