Thông tư 234/2012/TT-BTC Hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được
BỘ TÀI CHÍNH Số: 234/2012/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG TƯ Hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương _______________________ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 ngày 25/12/2001; Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH ngày 29/06/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010; Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ban hành ngày 05/01/2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Quản lý giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương như sau: Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1: Phạm vi áp dụng Thông tư này hướng dẫn chi tiết về thành viên giao dịch, tổ chức quản lý giao dịch, công bố thông tin về giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là trái phiếu Chính phủ – TPCP). Điều 2: Giải thích thuật ngữ 1. Hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ (sau đây viết tắt là hệ thống giao dịch) là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động giao dịch trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (SGDCKHN). Hệ thống giao dịch cho phép nhận, chuyển, sửa, ghi nhận, theo dõi, kết xuất dữ liệu phục vụ việc thực hiện giao dịch TPCP; 2. Thành viên giao dịch Trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà nội (sau đây gọi tắt là thành viên) là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại được SGDCKHN chấp thuận trở thành thành viên giao dịch TPCP; 3. Giá yết là giá TPCP được các thành viên yết trên hệ thống. Giá yết được hiểu là giá không gộp lãi coupon (nếu có); 4. Giá thực hiện là giá dùng để xác định số tiền phải thanh toán trong các giao dịch TPCP; 5. Thành viên giao dịch thông thường là các công ty chứng khoán được SGDCKHN chấp thuận làm thành viên. Thành viên giao dịch thông thường được phép thực hiện nghiệp vụ môi giới và tự doanh TPCP tại SGDCKHN; 6. Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng thương mại được SGDCKHN chấp thuận làm thành viên. Thành viên giao dịch đặc biệt chỉ được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh TPCP tại SGDCKHN; 7. Giao dịch mua bán thông thường là giao dịch TPCP trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại TPCP; 8. Giao dịch mua bán lại là giao dịch TPCP trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu TPCP đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định. Giao dịch mua bán lại bao gồm Giao dịch bán (Giao dịch lần 1) và Giao dịch mua lại (Giao dịch lần 2). Trong giao dịch mua bán lại, bên Bán được hiểu là bên bán trong Giao dịch lần 1, bên Mua được hiểu là bên mua trong Giao dịch lần 1. Chương II THÀNH VIÊN Điều 3. Phân loại thành viên Thị trường giao dịch TPCP của SGDCKHN có 02 loại thành viên là thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt. Điều 4. Tiêu chuẩn làm thành viên 1. Đối với thành viên giao dịch thông thường: a) Là công ty chứng khoán được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; được phép thực hiện tất cả các nghiệp vụ kinh doanh bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; b) Là thành viên của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; c) Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Chương VI của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 đối với việc thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán; và các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010; d) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự phục vụ hoạt động giao dịch TPCP tại SGDCKHN; đ) Đáp ứng các điều kiện khác do SGDCKHN quy định. 2. Đối với thành viên giao dịch đặc biệt: a) Là ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp; b) Có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương với mức vốn pháp định theo quy định hiện hành của Chính phủ về Ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng và các quy định hiện hành có liên quan; c) Là thành viên của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; d) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự phục vụ hoạt động giao dịch TPCP tại SGDCKHN; đ) Các điều kiện khác do SGDCKHN quy định. Điều 5. Đăng ký làm thành viên SGDCKHN quy định cụ thể về các điều kiện bổ sung, hồ sơ và thủ tục đăng ký làm thành viên. Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên 1. Thành viên giao dịch thông thường a) Thành viên giao dịch thông thường có các quyền sau: – Sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do SGDCKHN cung cấp; – Được phép sử dụng các thông tin khai thác từ Hệ thống thông tin thị trường trái phiếu của SGDCKHN phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của thành viên, nhưng không được quyền sử dụng thông tin và dữ liệu khai thác từ hệ thống này để phục vụ cho mục đích thương mại như cung cấp hoặc bán lại cho bên thứ ba; – Thực hiện giao dịch tự doanh trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN; – Cung cấp dịch vụ môi giới TPCP cho khách hàng; – Thu phí theo quy định của Bộ Tài chính; – Được rút khỏi tư cách thành viên sau khi được SGDCKHN chấp thuận. b) Thành viên giao dịch thông thường có các nghĩa vụ sau: – Duy trì các điều kiện kỹ thuật và nhân sự do SGDCKHN quy định đối với thành viên giao dịch thông thường trên hệ thống giao dịch; – Tuân thủ các quy định về thành viên của SGDCKHN; – Chịu sự kiểm tra giám sát của UBCKNN và SGDCKHN; – Nộp phí thành viên, phí giao dịch và các phí dịch vụ khác theo quy định của pháp luật; – Tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin theo quy định tại Thông tư này và pháp luật khác có liên quan; 2. Thành viên giao dịch đặc biệt a) Thành viên giao dịch đặc biệt có các quyền sau: – Sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do SGDCKHN cung cấp; – Được phép sử dụng các thông tin khai thác từ Hệ thống thông tin thị trường trái phiếu của SGDCKHN, nhưng không được quyền sử dụng thông tin và dữ liệu khai thác từ hệ thống này để phục vụ cho mục đích thương mại như cung cấp hoặc bán lại cho bên thứ ba; – Thực hiện giao dịch tự doanh trên hệ thống giao dịch TPCP của SGDCKHN; – Được rút khỏi tư cách thành viên sau khi có sự chấp thuận của SGDCKHN. b) Thành viên giao dịch đặc biệt có các nghĩa vụ sau: – Thực hiện chào mua, chào bán TPCP với cam kết chắc chắn cho (các) kỳ hạn chuẩn trên hệ thống của SGDCKHN khi thành viên đặc biệt đồng thời là thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp TPCP. Chủ tịch UBCKNN quyết định cụ thể tổng khối lượng chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn tính theo mệnh giá trái phiếu trong một ngày giao dịch đối với từng kỳ hạn chuẩn dựa trên thực tiễn của thị trường từng giai đoạn. – Duy trì các điều kiện kỹ thuật và nhân sự do SGDCKHN quy định đối với thành viên giao dịch đặc biệt trên hệ thống giao dịch; – Tuân thủ các quy định về thành viên của SGDCKHN; – Chịu sự kiểm tra giám sát của UBCKNN và SGDCKHN; – Nộp phí thành viên, phí giao dịch và các phí dịch vụ khác theo quy định của pháp luật; – Tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin theo quy định tại Thông tư này và pháp luật khác có liên quan. Điều 7. Chấm dứt tư cách thành viên 1. Thành viên tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên và được SGDCKHN chấp thuận. 2. Chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc: a) Không còn đáp ứng các tiêu chuẩn làm thành viên quy định tại Điều 4 Thông tư này; b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về thành viên giao dịch TPCP của SGDCKHN hoặc không nghiêm trọng nhưng mang tính hệ thống; c) SGDCKHN quy định cụ thể tại các Quy chế, quy trình nghiệp vụ về chấm dứt tư cách thành viên sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 8. Giao dịch TPCP của thành viên 1. Giao dịch TPCP niêm yết được thực hiện bởi thành viên thông qua hệ thống giao dịch của SGDCKHN. 2. Phiếu xác nhận kết quả giao dịch in từ hệ thống giao dịch được lưu trữ bởi thành viên làm căn cứ pháp lý phục vụ công tác báo cáo, kiểm tra, đối chiếu giao dịch khi phát sinh tranh chấp. 3. Đối với giao dịch môi giới: a) Thành viên phải ký hợp đồng bằng văn bản khi mở tài khoản giao dịch TPCP cho khách hàng; b) Thành viên phải thống nhất và công khai hình thức tiếp nhận, xử lý giao dịch TPCP của khách hàng tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch. Các chứng từ liên quan đến giao dịch phải được lưu trữ tại địa điểm tiếp nhận yêu cầu. Kết quả thực hiện giao dịch phải được thông báo cho khách hàng ngay sau khi giao dịch được thực hiện theo đúng hình thức đã thỏa thuận với khách hàng. Thành viên phải gửi sao kê tài khoản tiền và TPCP hàng tháng khi có yêu cầu từ khách hàng; c) Thành viên có nghĩa vụ đăng ký tài khoản trao đổi thông tin cho khách hàng trên Hệ thống giao dịch TPCP trên Internet nhằm giúp khách hàng trao đổi tin tức, thông tin liên quan tới giao dịch trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN với các đại diện giao dịch, cơ quan quản lý, điều hành thị trường khi có yêu cầu từ phía khách hàng. d) Thành viên phải ưu tiên thực hiện lệnh môi giới cho khách hàng trước lệnh tự doanh của thành viên với mức giá thực hiện tốt nhất có thể trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN. Mức giá thực hiện tốt nhất có thể là mức giá chỉ định hoặc tốt hơn mức giá chỉ định của khách hàng. đ) Thành viên phải lưu trữ, bảo mật tài khoản và hồ sơ giao dịch TPCP của khách hàng theo quy định của pháp luật; e) Thành viên có nghĩa vụ cung cấp những thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng nhằm mục đích quản lý, giám sát, thanh tra theo yêu cầu của SGDCKHN, UBCKNN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. g) Thành viên phải đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng khi tham gia giao dịch đúng thời hạn quy định. 4. Đối với giao dịch tự doanh: Thành viên phải đảm bảo đủ tiền và TPCP để hoàn tất các nghĩa vụ của thành viên trong các giao dịch có liên quan trên hệ thống giao dịch. Điều 9. Chế độ báo cáo của thành viên 1. Thành viên định kỳ phải báo cáo SGDCKHN về hoạt động kinh doanh, bao gồm: a) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh TPCP hàng tháng trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng (Theo mẫu Phụ lục số 01/TTTP); b) Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh TPCP năm (Theo mẫu Phụ lục số 02/TTTP) trước ngày 31 tháng 3 hàng năm. 2. Hình thức nộp báo cáo: Thành viên nộp báo cáo cho SGDCKHN bằng văn bản và bằng dữ liệu điện tử. Đối với dữ liệu điện tử, thông tin được gửi tới SGDCKHN theo hướng dẫn cụ thể của SGDCKHN trong việc sử dụng hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin. Điều 10. Các hình thức kỷ luật thành viên Thành viên vi phạm các quy định hoạt động trên thị trường TPCP tại SGDCKHN sẽ phải chịu một hoặc một số hình thức kỷ luật sau: 1. Khiển trách; 2. Cảnh cáo; 3. Đình chỉ có thời hạn hoạt động giao dịch TPCP trên SGDCKHN; 4. Buộc chấm dứt tư cách thành viên. Chương III NIÊM YẾT VÀ QUẢN LÝ GIAO DỊCH Điều 11. Loại trái phiếu niêm yết 1. TPCP niêm yết trên SGDCKHN là các loại có kỳ hạn danh nghĩa trên một (01) năm do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành (bao gồm cả TPCP phát hành bằng ngoại tệ); 2. Tín phiếu niêm yết do KBNN hoặc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành, có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần. 3. Trái phiếu chính quyền địa phương; Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Điều 12. Niêm yết đối với trái phiếu Chính phủ 1. Trái phiếu Chính phủ được niêm yết trên SGDCKHN khi có đề nghị bằng văn bản của tổ chức phát hành theo mẫu tại Phụ lục số 03a (nếu trái phiếu đấu thầu lần đầu), theo mẫu tại Phụ lục số 03b (nếu trái phiếu đấu thầu bổ sung), theo mẫu tại Phụ lục 03c (nếu trái phiếu phát hành theo hình thức khác), theo mẫu tại Phụ lục số 03d (nếu tín phiếu phát hành theo hình thức đấu thầu) và thông báo đăng ký trái phiếu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. 2. Quy trình niêm yết đối với trái phiếu được thực hiện theo Điều 33 Thông tư số 17/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước. 3. Quy trình niêm yết đối với tín phiếu Kho bạc được thực hiện theo Điều 17 Thông tư liên tịch số 106/2012/TTLT-BTC-NHNN về hướng dẫn việc phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều 13. Niêm yết đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 1. Trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh được niêm yết trên SGDCKHN. Hồ sơ đăng ký niêm yết bao gồm: a) Văn bản đề nghị niêm yết trái phiếu theo mẫu tại Phụ lục số 03a (nếu đấu thầu lần đầu), theo mẫu tại Phụ lục số 03b (nếu đấu thầu bổ sung), theo mẫu tại Phụ lục 03c (nếu phát hành theo hình thức khác); b) Giấy chứng nhận của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc trái phiếu của tổ chức đó đã đăng ký, lưu ký tập trung; c) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về cấp bảo lãnh và hạn mức bảo lãnh; d) Thông báo bằng văn bản của Bộ Tài chính về hạn mức tối đa được phép phát hành trái phiếu có bảo lãnh. 2. Niêm yết đối với trái phiếu của các ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh a) Trái phiếu được niêm yết trên SGDCKHN khi có đề nghị bằng văn bản của tổ chức phát hành theo mẫu tại Phụ lục số 03a (nếu đấu thầu lần đầu), theo mẫu tại Phụ lục số 03b (nếu đấu thầu bổ sung), theo mẫu tại Phụ lục 03c (nếu phát hành theo hình thức khác) và thông báo đăng ký trái phiếu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. b) Quy trình niêm yết đối với trái phiếu của các ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy trình niêm yết đối với trái phiếu Chính phủ theo khoản 2 Điều 12 Thông tư này. Điều 14. Niêm yết đối với trái phiếu chính quyền địa phương 1. Trái phiếu được niêm yết trên SGDCKHN khi có đề nghị bằng văn bản của tổ chức phát hành theo mẫu tại Phụ lục số 03a (nếu đấu thầu lần đầu), theo mẫu tại Phụ lục số 03b (nếu đấu thầu bổ sung), theo mẫu tại Phụ lục 03c (nếu phát hành theo hình thức khác) và thông báo đăng ký trái phiếu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. 2. Quy trình niêm yết đối với trái phiếu chính quyền địa phương thực hiện theo quy trình niêm yết đối với trái phiếu Chính phủ theo khoản 2 Điều 12 Thông tư này. Điều 15. Quy định về giao dịch, thanh toán 1. SGDCKHN tổ chức giao dịch cho các loại TPCP đã lưu ký tập trung và đăng ký niêm yết. 2. Giao dịch TPCP tại SGDCKHN được thực hiện thông qua thành viên; bù trừ và thanh toán qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Ngân hàng Thanh toán. 3. Giao dịch mua lại TPCP của tổ chức phát hành theo điều khoản phát hành được SGDCKHN quy định cho từng trường hợp. Điều 16. Thời gian giao dịch 1. SGDCKHN tổ chức giao dịch từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động và những ngày nghỉ giao dịch theo quy định của cơ quan quản lý. 2. Thời gian giao dịch cụ thể do Tổng Giám đốc SGDCKHN quy định sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 17. Phương thức giao dịch 1. SGDCKHN áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận đối với các giao dịch TPCP trên hệ thống giao dịch. 2. Trong trường hợp cần thiết, SGDCKHN quyết định thay đổi phương thức giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 18. Loại hình giao dịch SGDCKHN tổ chức hai loại hình giao dịch TPCP là giao dịch mua bán thông thường và giao dịch mua bán lại. Điều 19. Xác lập và huỷ bỏ giao dịch 1. Giao dịch được xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện ghi nhận, ngoại trừ có quy định khác do UBCKNN quy định. 2. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCKHN có thể quyết định sửa hoặc hủy bỏ giao dịch và báo cáo Chủ tịch UBCKNN về việc sửa hoặc hủy bỏ giao dịch trên. Điều 20. Xử lý vi phạm về giao dịch 1. Thành viên vi phạm quy định về giao dịch phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 10 của Thông tư. 2. Ngoài hình thức xử phạt nêu trên, SGDCKHN có thể quy định các hình phạt bổ sung. Điều 21. Thông tin về đối tác trong giao dịch TPCP 1. Thành viên tham gia giao dịch TPCP trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN với tư cách tự doanh hay môi giới phải bảo đảm thông tin của đối tác liên quan trong giao dịch được giữ bí mật. Việc công bố thông tin chỉ thực hiện khi: a) Các bên có liên quan đồng ý bằng văn bản; b) Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan chức năng; c) Khi giao dịch chính thức bị xem là không thể tiếp tục do các bên tham gia từ chối hoặc mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong giao dịch. 2. Các thành viên khi thực hiện giao dịch TPCP phải thông báo với đối tác tư cách của mình trong giao dịch là tự doanh hay môi giới. Chương IV GIAO DỊCH MUA BÁN THÔNG THƯỜNG Điều 22. Hình thức giao dịch 1. Giao dịch mua bán thông thường được thực hiện theo hai hình thức Thỏa thuận điện tử và Thỏa thuận thông thường. 2. SGDCKHN quyết định thay đổi hoặc bổ sung hình thức giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 23. Thỏa thuận điện tử 1. Thỏa thuận điện tử là hình thức giao dịch trong đó các lệnh giao dịch được chào với cam kết chắc chắn và thực hiện ngay khi có đối tác lựa chọn mà không cần có sự xác nhận lại. 2. Giao dịch theo hình thức thỏa thuận điện tử được thực hiện theo một trong hai nguyên tắc sau: a) Đối với hình thức thỏa thuận điện tử có tính chất toàn thị trường: Đại diện giao dịch của thành viên nhập lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn vào hệ thống và lựa chọn các lệnh đối ứng phù hợp để thực hiện giao dịch. Nội dung lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn được quy định trong Quy trình Giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại SGDCKHN (Quy trình Giao dịch TPCP) do SGDCKHN ban hành. b) Đối với hình thức thỏa thuận điện tử có tính chất lựa chọn: Đại diện giao dịch của thành viên, dựa trên các yêu cầu chào giá trên hệ thống, gửi các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn đến đích danh đối tác gửi yêu cầu chào giá tương ứng và đối tác này sẽ lựa chọn lệnh chào phù hợp để thực hiện giao dịch. Nội dung của yêu cầu chào giá được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP do SGDCKHN ban hành. Điều 24. Thỏa thuận thông thường 1. Thỏa thuận thông thường là hình thức giao dịch trong đó các bên tự thỏa thuận với nhau bằng công cụ gửi tin nhắn trên hệ thống giao dịch hoặc bằng các phương tiện liên lạc ngoài hệ thống về các điều kiện giao dịch và báo cáo kết quả vào hệ thống giao dịch để xác lập giao dịch. 2. Sau khi đã thỏa thuận xong, giao dịch theo hình thức thỏa thuận thông thường được ghi nhận hiệu lực khi bên Mua hoặc bên Bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống giao dịch và bên Bán hoặc bên Mua đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này. Nội dung báo cáo giao dịch được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP do SGDCKHN ban hành. Chương V GIAO DỊCH MUA BÁN LẠI Điều 25. Hình thức giao dịch 1. Giao dịch mua bán lại được thực hiện theo hai hình thức Thỏa thuận điện tử và Thỏa thuận thông thường. 2. SGDCKHN quyết định thay đổi hoặc bổ sung hình thức giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 26. Thỏa thuận điện tử 1. Thỏa thuận điện tử là hình thức giao dịch trong đó xuất phát từ các yêu cầu chào giá trên hệ thống giao dịch, các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn sẽ được chào tương ứng và được thực hiện ngay khi được lựa chọn mà không cần có sự xác nhận lại. 2. Giao dịch theo hình thức thỏa thuận điện tử được thực hiện theo nguyên tắc đại diện giao dịch của thành viên, dựa trên các yêu cầu chào giá trên hệ thống, gửi các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn đến đích danh đối tác gửi yêu cầu chào giá tương ứng và đối tác này sẽ lựa chọn lệnh chào phù hợp để thực hiện giao dịch. 3. Yêu cầu chào giá có thể được gửi đến cho một, một số đối tác hoặc toàn bộ thị trường theo yêu cầu của khách hàng. Trường hợp khách hàng không yêu cầu cụ thể thì yêu cầu chào giá được gửi cho toàn bộ thị trường. Nội dung của yêu cầu chào giá được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP tại SGDCKHN. 4. Lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn được gửi đích danh cho đối tác đưa ra yêu cầu chào giá. Nội dung lệnh chào với cam kết chắc chắn được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP tại SGDCKHN. Điều 27. Thỏa thuận thông thường 1. Thỏa thuận thông thường là hình thức giao dịch trong đó các bên tự thỏa thuận với nhau bằng công cụ gửi tin nhắn trên hệ thống hoặc bằng các phương tiện liên lạc ngoài hệ thống về các điều kiện giao dịch và báo cáo kết quả trên hệ thống để xác lập giao dịch. 2. Sau khi đã thỏa thuận xong, giao dịch theo hình thức thỏa thuận thông thường được ghi nhận hiệu lực khi bên Mua hoặc bên Bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống và bên Bán hoặc bên Mua đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này. Nội dung báo cáo giao dịch được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP do SGDCKHN ban hành. Điều 28. Thời hạn giao dịch mua bán lại 1. Thời hạn giao dịch mua bán lại được tính theo số ngày thực tế kể từ ngày thanh toán của giao dịch lần một đến ngày thanh toán của giao dịch lần hai. 2. Thời hạn giao dịch mua bán lại tối thiểu là hai (02) ngày và tối đa là một trăm tám mươi (180) ngày. 3. SGDCKHN quyết định thay đổi thời hạn giao dịch mua bán lại khi cần thiết sau khi được UBCKNN chấp thuận. Điều 29. Lãi mua bán lại Lãi mua bán lại được tính trên cơ sở ngày thực tế/ngày thực tế. Cách tính lãi mua bán lại được quy định cụ thể trong quy định nghiệp vụ của SGDCKHN. Điều 30. Giá thực hiện 1. Giá thực hiện trong giao dịch mua bán lại được tính dựa trên giá yết, lãi coupon tích gộp (nếu có) và tỷ lệ phòng vệ rủi ro (nếu có). 2. Công thức tính giá thực hiện được quy định trong quy định nghiệp vụ của SGDCKHN. Điều 31. Tỷ lệ phòng vệ rủi ro 1. Tỷ lệ phòng vệ rủi ro là tỷ lệ phần trăm được chiết giảm hoặc bổ sung trên giá gộp lãi coupon tại thời điểm bắt đầu giao dịch mua bán lại. 2. Tỷ lệ phòng vệ rủi ro áp dụng đối với từng mã TPCP sử dụng trong giao dịch mua bán lại do hai bên đối tác tự thỏa thuận. Trong trường hợp cần thiết, SGDCKHN có thể quy định cụ thể về mức trần tỷ lệ phòng vệ rủi ro. 3. Tỷ lệ phòng vệ rủi ro cố định suốt thời hạn giao dịch mua bán lại. Điều 32. Thu nhập từ TPCP trong giao dịch mua bán lại 1. Quyền hưởng lãi coupon và các thu nhập liên quan (nếu có) từ TPCP trong giao dịch mua bán lại thuộc về bên Bán. 2. Trong trường hợp bên Mua nhận được lãi coupon tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn của giao dịch mua bán lại, bên Mua có trách nhiệm trả lại bên Bán số lãi coupon đã nhận được. Nếu việc hoàn trả lãi coupon phát sinh thực hiện bên ngoài hệ thống giao dịch, thời điểm hoàn trả lãi coupon sẽ do hai bên tự thống nhất nhưng không được muộn hơn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày thực thanh toán lãi trái phiếu. Nếu việc hoàn trả lãi coupon phát sinh thực hiện qua hệ thống giao dịch, thời điểm hoàn trả là khi giao dịch mua bán lại kết thúc. Nếu hoàn trả lãi coupon qua hệ thống giao dịch, tại thời điểm bắt đầu thực hiện giao dịch mua bán lại, hai bên tự thỏa thuận với nhau về lãi suất (nếu có) tính trên phần lãi coupon phát sinh. Điều 33. Xử lý trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán lại 1. Khi đến hạn tất toán giao dịch mua bán lại (tất toán giao dịch lần hai), một trong hai bên tham gia giao dịch không thực hiện thanh toán theo đúng thỏa thuận đã thống nhất và được ghi nhận trên hệ thống giao dịch, TPCP sử dụng trong giao dịch mua bán lại sẽ được xử lý như sau: a) Trường hợp đến hạn tất toán giao dịch mua bán lại mà bên Bán không thực hiện thanh toán theo đúng thỏa thuận đồng thời hai bên không nhất trí được việc thay đổi thỏa thuận về nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên trong giao dịch mua bán lại, việc xử lý TPCP sử dụng trong giao dịch mua bán được thực hiện theo quy định sau: – Được bên Mua chào bán công khai TPCP trên hệ thống giao dịch với mức giá chào bằng với mức giá mua trong giao dịch lần 1 cộng hoặc trừ phần phòng vệ rủi ro (nếu có), cộng hoặc trừ phần lãi suất trên lãi coupon (nếu có) và cộng với lãi suất mua bán lại cùng lãi phạt chậm thanh toán theo quy định tại Quy chế Giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương ngay trong ngày giao dịch liền kề ngày thanh toán giao dịch mua bán lại lần hai. Chi tiết lệnh chào này được quy định trong Quy trình Giao dịch TPCP do SGDCKHN ban hành; – Trường hợp kết thúc ngày giao dịch mà không có người mua, TPCP có liên quan sẽ được bên Mua toàn quyền xử lý. Ngoài ra, bên Bán có nghĩa vụ trả lãi mua bán lại và lãi phạt tính trên số ngày thực tế kể từ thời điểm phải thanh toán theo quy định trong giao dịch tới thời điểm hoàn tất việc xử lý giao dịch; – Giá trị phòng vệ rủi ro được quy đổi từ tỷ lệ phòng vệ rủi ro và giá trị của TPCP tham gia giao dịch mua bán lại sẽ được hoàn trả cho bên Bán hoặc bên Mua tùy theo thỏa thuận về phòng vệ rủi ro trong trường hợp phải xử lý thanh lý TPCP theo quy định tại 2 đoạn nêu trên, điểm a, khoản 1 Điều này. – Các khoản thu nhập hợp lý khác được hoàn trả cho bên Bán theo quy định tại Điều 32 Thông tư này. b) Trường hợp đến ngày tất toán giao dịch mua bán lại mà bên Mua không thực hiện thanh toán theo đúng thỏa thuận đã thống nhất và được ghi nhận trên hệ thống giao dịch, đồng thời hai bên không nhất trí được việc thay đổi thỏa thuận về nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên trong giao dịch mua bán lại, việc xử lý tiền sử dụng trong giao dịch mua bán lại được thực hiện như sau: – Khoản tiền đã nhận được trong giao dịch mua bán lại sẽ được bên Bán toàn quyền xử lý. – Giá trị phòng vệ rủi ro được quy đổi từ tỷ lệ phòng vệ rủi ro và giá trị của TPCP tham gia giao dịch mua bán lại sẽ được hoàn trả cho bên Bán hoặc bên Mua tùy theo thỏa thuận về phòng vệ rủi ro đã thỏa thuận và được hệ thống giao dịch ghi nhận khi giao dịch mua bán lại được thực hiện. – Các khoản thu nhập hợp lý khác sẽ được hoàn trả cho bên Bán theo quy định tại Điều 32 Thông tư này. 2. Việc thay đổi thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ trong giao dịch mua bán lại đã ghi nhận trên hệ thống giao dịch nhằm mục đích xử lý việc mất khả năng thanh toán tạm thời phải được sự đồng ý của các bên tham gia giao dịch và phải báo cáo tới SGDCKHN bằng văn bản trước khi thực hiện và ngay sau khi hoàn tất. 3. Thành viên khi thực hiện giao dịch mua bán lại trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN có thể sử dụng các hợp đồng phụ để thỏa thuận thêm về quyền và nghĩa vụ bổ sung với điều kiện các thỏa thuận trong hợp đồng phụ không mâu thuẫn với các quy định nêu tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan. Trường hợp có mâu thuẫn, các quy định của SGDCKHN sẽ được áp dụng để xác định quyền và nghĩa vụ liên quan. Chương VI CÔNG BỐ THÔNG TIN Điều 34. Nguyên tắc công bố thông tin 1. Thông tin công bố phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật; 2. Thông tin công bố phải do người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời, đầy đủ về thông tin do người được ủy quyền công bố thông tin công bố. 3. Thông tin công bố phải được thực hiện đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều 35. Phương tiện và hình thức công bố thông tin 1. Phương tiện: Việc công bố thông tin được thực hiện qua các phương tiện công bố thông tin sau: a) Báo cáo thường niên, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm khác của tổ chức thuộc đối tượng công bố thông tin; b) Các phương tiện công bố thông tin của UBCKNN bao gồm: hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin, cổng thông tin điện tử và các ấn phẩm khác của UBCKNN; c) Các phương tiện công bố thông tin của SGDCKHN bao gồm: hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin, trang thông tin điện tử của SGDCKHN; d) Phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật. 2. Hình thức: Thông tin được công bố dưới hình thức văn bản và dữ liệu điện tử. Đối với văn bản, thông tin công bố phải là bản chính có đầy đủ dấu và chữ ký của người có thẩm quyền công bố thông tin. Đối với dữ liệu điện tử, thông tin được gửi tới SGDCKHN theo hướng dẫn cụ thể của SGDCKHN trong việc sử dụng hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin. Điều 36. Đối tượng thực hiện công bố thông tin Đối tượng công bố thông tin gồm các thành viên và SGDCKHN. Điều 37. Công bố thông tin của thành viên giao dịch thông thường Thành viên giao dịch thông thường thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo hướng dẫn công bố thông tin dành cho công ty chứng khoán quy định tại Thông tư số 52/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 05/04/2012. Điều 38. Công bố thông tin của thành viên giao dịch đặc biệt 1. Công bố thông tin định kỳ: a) Thông tin công bố: Bao gồm: Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét, (Phụ lục số 04/TTTP), Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán (Phụ lục số 05/TTTP) và Báo cáo thường niên. b) Thời gian công bố: Thời hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc sáu (06) tháng đầu năm tài chính. Thời hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán là không quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính và Báo cáo thường niên là không chậm hơn 20 ngày kể từ khi công bố Báo cáo cáo tài chính năm được kiểm toán. 2. Công bố thông tin bất thường: a) Thông tin công bố: – Bị cơ quan quản lý nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; – Có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của Tòa án đối với thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng; – Đại hội đồng cổ đông thông qua việc sáp nhập với một công ty khác; – Các thay đổi về thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc; – Thành viên có những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh, bao gồm: thành viên bị tổn thất từ mười phần trăm (10%) giá trị tài sản trở lên; thành viên tạm ngừng kinh doanh tự nguyện hoặc bị phong tỏa hoạt động giao dịch; thành viên bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động; quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ ngân hàng; thay đổi tên ngân hàng; quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ. b) Thời gian công bố: Trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện nêu trên, thành viên giao dịch đặc biệt phải thực hiện việc công bố thông tin; 3. Công bố thông tin theo yêu cầu: a) Thông tin công bố: – Thông tin liên quan đến thành viên và ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể đầu tư và kinh doanh khác trên thị trường; – Thông tin liên quan đến hoạt động bất thường của thành viên và cần phải xác nhận lại thông tin này; Nội dung công bố thông tin phải nêu rõ sự kiện được UBCKNN và/hoặc SGDCKHN yêu cầu công bố; nguyên nhân; mức độ xác thực của sự kiện đó. b) Thời gian công bố: Trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu của UBCKNN, SGDCKHN, thành viên giao dịch đặc biệt phải thực hiện công bố thông tin. Điều 39. Công bố thông tin của SGDCKHN SGDCKHN có nghĩa vụ thực hiện công bố các thông tin sau đây: 1. Thông tin về giao dịch TPCP trên hệ thống giao dịch của SGDCKHN: a) Thông tin về các loại TPCP được phép giao dịch; b) Tổng số loại TPCP được phép giao dịch trong ngày; c) Thông tin về TPCP giao dịch gồm kỳ hạn, lãi suất coupon (nếu có), ngày đáo hạn; d) Thông tin về mức giá, khối lượng thực hiện gần nhất của mỗi loại TPCP; đ) Thông tin về khối lượng đặt mua/đặt bán và giá trị tương ứng cho từng loại TPCP; e) Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường của từng loại hình giao dịch: Giao dịch thông thường và Giao dịch mua bán lại; g) Thông tin về đường cong lợi suất chuẩn (nếu có); h) Các thông tin khác theo yêu cầu của UBCKNN. 2. Thông tin về thành viên: a) Danh sách thành viên; b) Thông tin về kết nạp thành viên; c) Thông tin về xử phạt thành viên; d) Thông tin về chấm dứt tư cách thành viên; đ) Các thông tin khác. 3. Thông tin về hoạt động niêm yết: a) Tên TPCP, số lượng, mệnh giá; b) Thông tin về niêm yết lần đầu; c) Thông tin về niêm yết bổ sung; d) Thông tin về hủy niêm yết; đ) Thông tin về thay đổi niêm yết; e) Các thông tin khác. Chương VII TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 40. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể ngày 18 tháng 3 năm 2013 và thay thế Quyết định 46/2008/QĐ-BTC ngày 01/07/2008 của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quy chế quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Những quy định về quản lý giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và tín phiếu Kho bạc Nhà nước tại các văn bản khác do Bộ Tài chính ban hành trái với quy định tại Thông tư này sẽ bị hủy bỏ và áp dụng theo quy định của Thông tư này. 2. UBCKNN, SGDCKHN và các đối tượng tham gia giao dịch TPCP tại SGDCKHN có trách nhiệm thực hiện Thông tư này. 3. SGDCKHN chịu trách nhiệm ban hành các quy định và quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy định tại Thông tư này./.
|
Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính Phủ trên thị trường chứng khoán
CHÍNH PHỦ ——- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— [...]
- Thông tư 188/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán
- Nghị định 60/2015/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán
- Thông tư 217/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Thông tư số 155/2015/TT-BTC Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
BỘ TÀI CHÍNH Số: 155/2015/TT-BTC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày [...]
- Thông tư 123/2015/TT-BTC Hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Thông tư 204/2012/TT-BT Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng
- Thông tư 73/2013/TT-BTC Hướng dẫn chi tiết một số điều về niêm yết chứng khoán tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán