Thông tư 35/2014/TT-BTNMT quy định việc điều tra, đánh giá đất đai

THÔNG TƯ

Quy định việc điều tra, đánh giá đất đai

______________

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc điều tra, đánh giá đất đai.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về hoạt động, nội dung, trách nhiệm tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo quy định của Luật Đất đai, bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp;

b) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề;

c) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất.

2. Thông tư này không quy định việc thống kê, kiểm kê đất đai; điều tra thống kê giá đất, theo dõi biến động giá đất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất lượng đất là thuộc tính của đất có ảnh hưởng tới tính bền vững đối với mục đích sử dụng đất cụ thể.

2. Tiềm năng đất đai là khả năng về số lượng, chất lượng đất cho mục đích sử dụng đất.

3. Đất bị thoái hóa là đất bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu (theo chiều hướng xấu) do tác động của điều kiện tự nhiên và con người.

4. Ô nhiễm đất là sự gia tăng hàm lượng của một số chất, hợp chất so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép làm nhiễm bẩn đất.

5. Phân hạng đất nông nghiệp là phân chia đất nông nghiệp thành các hạng đất phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể.

6. Bản đồ chất lượng đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của từng khoanh đất theo chất lượng đất.

7. Bản đồ tiềm năng đất đai là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của từng khoanh đất ứng với từng mức tiềm năng cụ thể.

8. Bản đồ ô nhiễm đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian các khoanh đất hoặc các điểm bị ô nhiễm đất.

9. Bản đồ phân hạng đất nông nghiệp là bản đồ thể hiện sự phân bố các khoanh đất theo các hạng đất.

10. Quan trắc tài nguyên đất là quá trình thu thập thông tin, lấy mẫu, phân tích đất theo các chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất tại các vị trí cố định, vào thời điểm nhất định trong năm.

11. Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề là hoạt động điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai ở Trung ương tại một thời điểm xác định.

Chương II

HOẠT ĐỘNG, NỘI DUNG ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI

Điều 4. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai

1. Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế – xã hội (cấp vùng) gồm các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra thoái hóa đất;

b) Quan trắc giám sát tài nguyên đất;

c) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.

2. Điều tra, đánh giá đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) gồm các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra thoái hóa đất;

b) Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất được thực hiện ở những khu vực có nguồn gây ô nhiễm ở địa phương;

c) Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp được thực hiện đối với nhóm đất nông nghiệp trừ đất nông nghiệp khác.

3. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai được thực hiện theo định kỳ hoặc thực hiện đột xuất theo nhiệm vụ, cụ thể như sau:

a) Các hoạt động quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a, b, c Khoản 2 Điều này được thực hiện định kỳ 5 năm một lần, điều tra toàn diện lần đầu và rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho những lần tiếp theo;

b) Hoạt động quan trắc giám sát tài nguyên đất được thực hiện hàng năm;

c) Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai khi có quyết; định phê duyệt nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp vùng

1. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai lần đầu, gồm:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ;

b) Lập kế hoạch và điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa;

c) Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp;

d) Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; bản đồ thoái hóa đất;

đ) Phân tích thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất;

e) Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;

g) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất.

2. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai lần tiếp theo, gồm:

a) Điều tra bổ sung thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ, khảo sát thực địa và xử lý tài liệu điều tra;

b) Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; bản đồ thoái hóa đất;

c) Phân tích, đánh giá những thay đổi về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất so với kỳ trước và đề xuất bổ sung các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;

d) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất.

3. Nội dung quan trắc giám sát tài nguyên đất hàng năm, gồm:

a) Lập kế hoạch và lấy mẫu quan trắc tài nguyên đất;

b) Tổng hợp số liệu quan trắc, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng đất; thoái hóa đất; ô nhiễm đất và cảnh báo sớm các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm mạnh cần giám sát;

c) Xây dựng báo cáo quan trắc giám sát tài nguyên đất.

4. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề, gồm:

a) Xác định địa bàn điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề;

b) Điều tra bổ sung thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ, khảo sát thực địa và xử lý tài liệu điều tra;

c) Xây dựng các bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai và thoái hóa đất của loại đất theo chuyên đề;

d) Phân tích, đánh giá những thay đổi về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất của loại đất theo chuyên đề điều tra và đề xuất bổ sung các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;

đ) Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.

Điều 6. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai cấp tỉnh

1. Nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Điều tra, đánh giá lần đầu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư này;

b) Điều tra, đánh giá lần tiếp theo thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.

2. Nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, gồm:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất;

b) Lập kế hoạch và điều tra lấy mẫu đất tại thực địa;

c) Phân tích mẫu đất, tổng hợp số liệu và cảnh báo các khu vực đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm (cận ô nhiễm);

d) Xây dựng bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm;

đ) Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;

e) Xây dựng báo cáo đánh giá về thực trạng ô nhiễm đất.

3. Nội dung điều tra, phân hạng đất nông nghiệp, gồm:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ;

b) Lập kế hoạch và điều tra thực địa hiệu quả sử dụng đất;

c) Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội nghiệp và ngoại nghiệp;

d) Xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp;

đ) Xây dựng báo cáo kết quả phân hạng đất nông nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai

1. Tổng cục Quản lý đất đai có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trên phạm vi cả nước;

b) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp vùng;

c) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất theo mô hình thống nhất, tổ chức thực hiện việc quan trắc giám sát tài nguyên đất;

d) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai;

đ) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của cấp tỉnh;

e) Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch thực hiện; kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp vùng; kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề và công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phê duyệt kế hoạch thực hiện, kết quả điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương;

b) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương;

c) Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch thực hiện; kết quả điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 8. Hồ sơ trình phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá đất đai

1. Tờ trình phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; quan trắc giám sát tài nguyên đất; điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.

2. Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề; báo cáo kết quả quan trắc giám sát tài nguyên đất.

3. Bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất, ô nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp.

Điều 9. Tài liệu công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai

1. Quyết định phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; quan trắc giám sát tài nguyên đất.

2. Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; báo cáo kết quả quan trắc giám sát tài nguyên đất.

3. Bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất, ô nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp.

Điều 10. Thời điểm báo cáo, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai

1. Thời điểm nộp báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai trước ngày 15 tháng 3 các năm có số cuối là số 5 và số 0.

Đối với kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất lần đầu nộp báo cáo trước ngày 15 tháng 3 năm 2015.

Đối với kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu nộp báo cáo trước ngày 15 tháng 3 năm 2020.

2. Thời điểm nộp báo cáo kết quả quan trắc giám sát tài nguyên đất trước ngày 15 tháng 3 hàng năm, bắt đầu từ năm 2020, trừ những năm thực hiện công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Thời điểm nộp báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện theo yêu cầu của dự án nhiệm vụ.

4. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai được công bố công khai chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Điều 11. Lưu trữ kết quả điều tra, đánh giá đất đai

1. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế – xã hội và kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được lưu trữ 02 bộ (bản giấy và bản số) tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai cấp tỉnh được lưu trữ 01 bộ (bản giấy và bản số) tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 bộ (bản giấy và bản số) tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 01 bộ (bản giấy và bản số) tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Hồ sơ lưu trữ kết quả điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các tài liệu theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 12. Điều kiện năng lực của đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá đất đai

1. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có chức năng thực hiện điều tra, đánh giá đất đai;

b) Có ít nhất 05 cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Có đủ trang thiết bị và công nghệ phù hợp với phương pháp thực hiện theo quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trong tổ chức có chức năng tư vấn điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự;

b) Có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, khoa học đất, thổ nhưỡng, môi trường và các chuyên ngành khác có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai;

c) Có thời gian công tác trong lĩnh vực điều tra, đánh giá đất đai theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này hoặc các điều tra, đánh giá đất trong lĩnh vực nông nghiệp từ 36 tháng trở lên.

3. Các đơn vị thực hiện phân tích mẫu đất phải có phòng phân tích đất được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2014.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định./.

Khách hàng nói về chúng tôi

Tôi rất hài lòng về chất lượng dịch vụ tại LawKey - Chìa khóa pháp luật. Các bạn là đội ngũ luật sư, chuyên gia kế toán và tư vấn viên nhiệt thành, đầy bản lĩnh với nghề nghiệp. Chúc các bạn phát đạt hơn nữa trong tương lai.

Anh Toản - CTO Công ty CP công nghệ phân phối Flanet

Đống Đa, Hà Nội
Mình thật sự cảm ơn đội ngũ công ty luật và dịch vụ kế toán LawKey về độ nhiệt tình và tốc độ làm việc. Tôi rất an tâm và tin tưởng khi làm việc với LawKey, đặc biệt là được chủ tịch Hà trực tiếp tư vấn. Chúc các bạn phát triển thịnh vượng và đột phá hơn nữa.

Mr Tô - Founder & CEO MengCha Utd

Đống Đa, Hà Nội
Tôi đã trải nghiệm nhiều dịch vụ luật sư trong quá trình kinh doanh của mình, nhưng thực sự an tâm và hài lòng khi làm bắt đầu làm việc với các bạn LawKey: Các bạn trẻ làm việc rất Nhanh - Chuẩn - Chính xác - Hiệu quả - Đáng tin cậy. Chúc các bạn phát triển hơn nữa.    

Mr Tiến - Founder & CEO SATC JSC

Ba Đình, Hà Nội
Từ khi khởi nghiệp đến nay, tôi sử dụng rất nhiều dịch vụ tư vấn luật, tôi đặc biệt hài lòng với dịch vụ mà LawKey cung cấp cho IDJ Group. Các bạn là đội ngũ chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả. Chúc cho LawKey ngày càng phát triển và là đối tác quan trọng lâu dài của IDJ Group.

Mr Trần Trọng Hiếu - Chủ tịch IDJ Group

Hà Nội
Từ khi khởi nghiệp đến nay, tôi sử dụng rất nhiều dịch vụ tư vấn luật, tôi đặc biệt hài lòng với dịch vụ mà LawKey cung cấp cho IDJ Group. Các bạn là đội ngũ chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả. Chúc cho LawKey ngày càng phát triển và là đối tác quan trọng lâu dài của IDJ Group.

Mr Dương - CEO Dương Cafe

Hà Nội
Tại LawKey, đội ngũ của các bạn rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, tôi rất hứng thú khi làm việc với luật sư Huy Hà và kế toán Tân Anh. Các bạn không chỉ cho thấy sự thân thiện mà còn chủ động tìm hiểu giúp đỡ tôi trong công việc. Tôi tin tưởng dịch vụ luật và kế toán của các bạn.

Mr Hưng - CEO Tư vấn du học Bạn Đồng Hành

Việt Nam

Khách hàng tiêu biểu