Thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu
Thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu
Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa xuất khẩu có ý nghĩa quan trong đối với hoạt động xuất khẩu của các thương nhân. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu về quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật hiện nay.
1. Điều kiện để thực hiện việc cấp CFS.
Hiện nay, theo quy định của Luật quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018Quy định chi tiết một số Điều của Luật quản lý ngoại thương có quy định về điều kiện để thực hiện việc cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu như sau:
“Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:
– Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.
– Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.”
Từ quy định này, chúng ta có thể hiểu rằng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện việc cấp CFS đối với hàng hóa cho các thương nhân khi họ có yêu cầu đến cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc cấp CFS cho hàng hóa xuất khẩu của họ. Đây chỉ là điều kiện thứ nhất. Sau khi có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét yêu cầu này, nếu hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì lúc này cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện việc cấp CFS đối với hàng hóa này. Như vậy, hàng hóa mà thương nhân xin cấp CFS phải có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật chính là điều kiện thứ hai để được cấp CFS.
2.Quy trình cấp CFS đối với hàng xuất khẩu.
2.1. Hồ sơ xin cấp CFS.
Để được cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu phải tiến hành làm hồ sơ xin cấp CFS để gửi đến cơ quan quản lý có thẩm quyền. Thương nhân có thể trực tiếp gửi hồ sơ tại cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan cấp CFS, ngoài ra có thể nộp bằng hình thức trực tuyến (lưu ý rằng, đối với hình thức gửi hồ sơ trực tuyến chỉ áp dụng đối trường hợp các cơ quan cấp CFS có áp dụng hình thức nhận hồ sơ qua hình thức trực tuyến).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp CFS hiện nay bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
– Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.
– Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
2.2. Thời hạn giải quyết việc xin cấp CFS.
Sau khi nhận được hồ sơ của thương nhân gửi, có thể bằng hình thức tiếp nhận trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện, cơ quan có thẩm quyền cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu phải tiến hành xem xét hồ sơ.
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu như phát hiện hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền cấp CFS phải thông báo cho thương nhân hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu như hồ sơ xin cấp CFS của thương nhân đã hợp lệ, thì trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày tiếp nhân hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp CFS phải cấp CFS cho thương nhân đã nộp hồ sơ. Trong trường hợp không cấp CFS, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm thông báo với thương nhân bằng văn bản giải thích lý do không cấp CFS.
Ngoài ra, khi thực hiện việc cấp CFS, nếu việc kiểm tra trên hồ sơ không đủ căn cứ để cấp CFS hoặc trước đó đã có những dấu hiệu đối với việc vi phạm thực hiện thủ tục cấp CFS thì cơ quan có thẩm quyền cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp tại nơi sản xuất nếu thấy cần thiết.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung CFS, xin cấp lại do mất, thất lạc.
Liên quan đến các trường hợp sửa đổi, bổ sung CFS, xin cấp lại do mất, thất lạc CFS, tại điểm e khoản 3 Nghị Định 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương có hướng dẫn như sau: “Trường hợp bổ sung, sửa đổi CFS; cấp lại do mất, thất lạc CFS, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh, cấp lại CFS cho thương nhân”.
Một số quy định khác về CFS đối với hàng hóa xuất khẩu
Ngoài những vấn đề đã trình bày ở trên, liên quan đến quy trình xin cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu, chúng ta cũng cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể số lượng cấp CFS cho hàng hóa. Do đó, số lượng CFS sẽ được cấp căn cứ theo yêu cầu của thương nhân xin cấp CFS.
Thứ hai, CFS đối với hàng hóa xuất khẩu được cấp thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng anh. Nội dung phải đáp ứng các thông tin tối thiểu được quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP. Trong trường hợp thương nhân xuất khẩu hàng hóa mà nước nhập khẩu bắt buộc dùng mẫu CFS do nước đó quy định thì thương nhân nộp mẫu CFS do nước nhập khẩu quy định cho cơ quan cấp CFS, cơ quan cấp CFS sẽ căn cứ vào mẫu đó để cấp CFS cho thương nhận. Điều này đã được hướng dẫn cụ thể như sau: “CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định này. Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu để cấp CFS”.
Trên đây là Thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu Lawkey gửi đến bạn đọc!
Mức hưởng chế độ thai sản hiện nay theo quy định của pháp luật
Chế độ thai sản là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi đủ điều kiện, người lao động được [...]
Sở hữu chung cộng đồng tại Bộ luật dân sự 2015 được hiểu như thế nào?
Sở hữu chung cộng đồng theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam được hiểu như thế nào? Luật quy định chủ sở [...]