Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu
Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu
Theo quy định của Luật quản lý Ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu được hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP . Đây là một thủ tục mới so với các quy định trước đây.
1.Các trường hợp áp dụng hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu
Các trường hợp áp dụng hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu bao gồm:
– Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện được quy định tại Phụ lục III Nghị định số 69/2018/NĐ-CP. Đây là quy định tại Điều 6 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.
– Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng tại Điều 8 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP . Cụ thể:
+ Tái xuất khẩu các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu.
+ Việc nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 69/2018/NĐ-CP nhưng không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. .
2. Hồ sơ cấp giấy phép.
Để được cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, các thương nhân cần chuẩn bị hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy phép. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 1 bản chính.
– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
– Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.
3. Quy trình cấp giấy phép.
3.1. Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật như đã phân tích ở phần trên. Thương nhân tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp phép đến Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý. Có ba hình thức để nộp hồ sơ:
– Một là, thương nhân trực tiếp đến Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền cấp giấy phép để nộp hồ sơ xin cấp phép.
– Hai là, nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thông qua đường bưu điện.
– Ba là thương nhân có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thông qua hình thức nộp trực tuyến trên mạng điện tử. Đối với hình thức này, chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền cấp phép có áp dụng hình thức nhận hồ sơ qua mạng trực tuyến.
3.2. Thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép.
Sau khi nhận hồ sơ xin cấp giấy phép của thương nhân, nếu phát hiện hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ, cơ quan ngang Bộ phải thông thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp phép tối đã là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ, đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian nay, Bộ, cơ quan ngang Bộ phải xem xét việc cấp giấy phép và có văn bản trả lời cho thương nhân. Tuy nhiên, thời hạn này không áp dụng đối với các trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép. Ngoài ra, trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.
3.3. Sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do bị mất, thất lạc.
Trên thực tế, có thể xảy ra những việc ngoài ý muốn làm giấy phép bị mất, thất lạc như hỏa hoạn, bão lũ… hay bị sai sót do những lỗi kĩ thuật của chuyên viên, ….Khi xảy ra những trường hợp có sai sót về giấy phép, bị mất hoặc thất lạc chúng ta có thể thực hiện thủ tục sửa đổi bổ sung giấy phép, xin cấp lại giấy phép bị mất hoặc thất lạc.
Hiện nay, việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 Quy định chi tiết một số Điều của Luật quản lý ngoại thương như sau:
– Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
– Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu.
– Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Trên đây là những quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu Lawkey gửi đến bạn đọc!
Hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng vay tài sản theo quy định hiện nay
Hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng vay tài sản được pháp luật dân sự quy định thế nào? Hai loại hợp đồng này [...]
Điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hiện nay
Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất [...]