Thủ tục cho phép hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Sau khi được cho phép thành lập, nhà đầu tư phải tiến hành thêm thủ tục xin phép hoạt động. Dưới đây là thủ tục cho phép hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, để được phép hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
– Đáp ứng các điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo duc có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm: vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo.
– Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Xem thêm: Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài
Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài
Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục
Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền để đăng ký hoạt động hoạt động cho cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 46 Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Bao gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động giáo dục theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của quyết định cho phép thành lập đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài.
– Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
– Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện.
– Báo cáo giải trình về việc cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học đã đáp ứng điều kiện cho phép thành lập, đồng thời gửi kèm:
+ Danh sách hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;
+ Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);
+ Mô tả cấp học, trình độ đào tạo, ngành đào tạo;
+ Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;
+ Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;
+ Quy chế đào tạo;
+ Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);
+ Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;
+ Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;
+ Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
Thủ tục cho phép hoạt động giáo dục
Điều 48 Nghị định 86/2018/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về thủ tục cho phép hoạt động đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm các giấy tờ như quy định trên.
Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài;
- Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép hoạt động.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư.
Trường hợp cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
Xem thêm: Cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Thủ tục cho phép hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Thẩm quyền Hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại
Để thực thi chức năng giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài cũng cần được trao những thẩm quyền nhất định. [...]
Hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp với người đã chuyển công việc khác
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về vấn đề hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp với người đã chuyển [...]