Thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được quy định như thế nào? Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ, giải đáp tới các bạn.
Về điều kiện chứng nhận
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khỏan 1 Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP và được hướng dẫn tại Mục 2 Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN năm 2019. Cụ thể như sau:
– Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
– Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận. Trong đó:
+ Năng lực tạo ra kết quả KH&CN thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
+ Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu:
+ Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
Hồ sơ đề nghị chứng nhận
Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên chuẩn bị hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
+ Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
+ Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
+ Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
+ Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
+ Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
– Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trình tự, thủ tục thực hiện
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được quy định như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trên.
Hồ sơ được gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến tới cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền là Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ đối với các trường hợp được quy định tại khoản 2, điều 5 Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Đối với các trường hợp khác, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: Trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này, sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bước 3: Công bố thông tin
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.
Xem thêm: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ
Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ ốm đau có được hưởng chế độ gì không
Nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ ốm đau có được hưởng chế độ gì không 1. Ở nhà chăm con nhỏ ốm đau được hưởng chế [...]
Pháp luật quy định về việc xác định lại giới tính như thế nào?PLVN có cho phép chuyển đổi giới tính hay không?
Chuyển đổi giới tính là một vấn đề gây nhiều tranh luận. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Chìa khóa pháp luật tìm [...]