Sáng chế: Thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Sáng chế là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Điểm khác biệt về thủ tục đăng ký sáng chế so với quy định về thủ tục đăng ký các đối tượng khác là gì? Lawkey xin đưa một số vấn đề pháp lý như sau:
Thứ nhất, thành phần hồ sơ
- Tờ khai đăng ký sáng chế: 02 bản
- Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế: 02 bản bao gồm cả hình vẽ (nếu có)
- Bản tóm tắt sáng chế (02 bản)
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác
- Tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn)
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện)
Thứ hai, yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế
Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.
Phần mô tả phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
– Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;
– Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Phạm vi bảo hộ phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.
Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
Thứ ba, trình tự thực hiện
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn).
– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
– Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
– Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;
– Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
– Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
– Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Thứ tư, thời hạn giải quyết
– Thẩm định hình thức: trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
– Công bố đơn: trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn;
– Thẩm định nội dung: không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
– Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí
– Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Trên đây là một số nội dung pháp lý LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu còn vấn đề chưa rõ, vui lòng liên hệ với Lawkey.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký thuế lần đầu công ty mới thành lập
Bảng danh mục các nhóm hàng hóa dịch vụ
BẢNG DANH MỤC CÁC NHÓM HÀNG HÓA/DỊCH VỤ NI-XƠ Phiên bản 10 (Theo Thoả ước Ni-xơ về Phân loại quốc tế hàng hoá/dịch vụ [...]
Quyền và nghĩa vụ của tác giả giống cây trồng
Tác giả giống cây trồng là người trực tiếp thực hiện toàn bộ hoặc một phần công việc chọn tạo hoặc phát hiện và phát [...]