Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án
Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng tin dụng, các bên có thể lựa chọn Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp của mình. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án được thực hiện theo quy định dưới đây.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó Tòa án sẽ giải quyết vụ án theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án
Để bắt đầu quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án trên cơ sở nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Thông thường, trong các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, hồ sơ khởi kiện sẽ bao gồm một số tài liệu như: Hợp đồng tín dụng; hợp đồng thế chấp; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ công ty; tài liệu về các lần giải ngân của tổ chức tín dụng; thông báo nghĩa vụ trả nợ của khách hàng; giấy ủy quyền (nếu có);…Để có giá trị pháp lý và là chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết thì các giấy tờ trên phải là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ khởi kiện được nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hoặc có thể gửi qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ
Sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán được phân công phải thông báo ngay cho người khởi kiện được biết để họ đến Tòa làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi nhận được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 3: Thông báo thụ lý vụ án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Văn bản thông báo phải đảm bảo các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).
Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Người đươc thông báo có quyền yêu cầu Toà án cho xem, ghi chép, chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử
Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nói riêng, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Bước 1: Chuẩn bị phiên họp hòa giải
Trước khi tiến hành phiên hòa giải, Thẩm phán có trách nhiệm thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
Phiên họp bao gồm các thành phần tham gia là: Thẩm phán, thư ký tòa án, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có), người phiên dịch (nếu có). Trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.
Bước 2: Tiến hành hòa giải
Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau về tất cả các vấn đề phải giải quyết thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản mà các bên không thay đổi ý kiến thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Quyết định này có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án phát sinh tranh chấp từ hợp đồng tín dụng là 02 tháng và được gia hạn thêm 01 tháng nếu xét thấy vụ án có tính chất phức tạp. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ra một trong các quyết định sau: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự; Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Các quyết định này phải được gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát cũng cấp.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm
Kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm trong thời hạn 01 tháng; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành theo đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Phiên tòa sơ thẩm bao gồm: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; Hội thẩm nhân dân; Thư ký Tòa án; Kiểm sát viên; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; người bảo vệ quyền lợi của đương sự (nếu có); người phiên dịch (nếu có). Phiên tòa được diễn ra theo trình tự: khai mạc phiên tòa, tranh tụng, nghị án và tuyên án được quy định cụ thể từ Điều 222 đến 269 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án của Tòa án, các bên có quyền gửi đơn kháng cáo để xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Xem thêm: Các dạng tranh chấp hợp đồng tín dụng phổ biến hiện nay
Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Cá độ bóng đá giải trí với đồng nghiệp có bị xử lý không?
Việc cá độ bóng đá rất hay xảy ra khi những giải bóng đá lớn diễn ra hàng năm. Vậy cá độ bóng đá giải trí với đồng [...]
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô cũ năm 2024
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô cũ năm 2024 được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]