Thủ tục phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động”
“Anh hùng lao động” là một danh hiệu cao quý đối với mỗi tổ chức, cá nhân luôn nỗ lực thi đua, lao động. Vậy thủ thủ tục phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động” được pháp luật quy định như thế nào? Lawkey xin gửi tới bạn đọc thông tin ở bài viết dưới đây.
Danh hiệu “Anh hùng lao động”
Anh hùng Lao động là một danh hiệu vinh dự cao nhất được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng cho những tập thể hoặc cá nhân lao động dũng cảm và sáng tạo, lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất và công tác.
Danh hiệu này được chính thức đặt ra vào năm 1970 bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét đề nghị của Hội đồng Chính phủ để tặng danh hiệu này cho các cá nhân hoặc tập thể đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên trên thực tế, tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952 đã có danh hiệu này.
Cuối thập niên 1990, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét thấy cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng, nên đã sửa đổi các tiêu chuẩn danh hiệu vào năm 1999. Và đến nay là Luật Thi đua khen thưởng năm 2003. Từ đó, danh hiệu Anh hùng Lao động còn được gọi dài hơn là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Hồ sơ phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động”
Cơ sở phong tặng
Trên cơ sở đề nghị của bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, ý kiến đề nghị của Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương và của cơ quan chức năng có liên quan, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng gồm 03 bộ (bản chính), gồm có:
– Tờ trình kèm theo danh sách của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (có ý kiến đề nghị bằng văn bản của cấp ủy Đảng cùng cấp);
– Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng có xác nhận của cấp trình Thủ tướng Chính phủ;
– Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng thi đua, khen thưởng bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Các trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng phải có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên.
Số lượng
+ Số lượng hồ sơ: 03 bộ (bản chính).
+ Hồ sơ Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ gồm 02 bộ (bản chính), gồm có: Tờ trình của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ (kèm theo danh sách) và hồ sơ có liên quan theo quy định.
+ Danh hiệu “Anh hùng Lao động” được xét phong tặng 05 năm một lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
Trình tự phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động”
Bước 1:
Hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ, qua Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương
Bước 2:
Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương xem xét hồ sơ và đề nghị bổ sung trong trường hợp cần thiết; sau đó tiến hành làm các thủ tục theo quy định.
Bước 3:
Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến đề nghị của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và của các cơ quan có chức năng liên quan, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng.
Bước 4:
Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng hoặc Thủ tướng Chính phủ xét, không đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng.
Thời hạn giải quyết thủ tục phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động”
Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
Trong thời hạn 20 ngày làm việc (30 ngày làm việc đối với trường hợp phải lấy ý kiến hiệp y) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng. Việc xem xét hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng được thực hiện theo Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Sau khi nhận được quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sao quyết định và thông báo kết quả khen thưởng cho bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trình khen thưởng;
Sau khi nhận được quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan trình khen thưởng thông báo và gửi kết quả khen thưởng cho các trường hợp được khen thưởng;
Đối với các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thông báo bằng văn bản cho bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trình khen thưởng.
Trên đây là bài viết về thủ tục phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động” Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết.
>> Xem thêm: Cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Dịch vụ xin cấp Giấy phép phân phối rượu mới nhất
Quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin cấp Giấy phép phân phối rượu nhưng chưa biết đơn vị nào uy tín. [...]
Thủ tục cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Vậy thủ [...]