Thủ tục thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện nay
Để được cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng mẹ tại nước ngoài cần đáp ứng nhiều điều kiện và thực hiện thủ tục xin Giấy phép tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Thủ tục thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện nay như thế nào?
Thủ tục thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các điều kiện thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và VBHN 48/VBHN-NHNN hợp nhất thông tư quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Cụ thể:
Bước 1: Nộp hồ sơ lần 1
Ban trù bị của gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước gồm:
1. Đơn đề nghị theo mẫu.
2. Đề án thành lập.
3. Điều lệ của ngân hàng mẹ.
4. Sơ yếu lý lịch của Tổng giám đốc (Giám đốc); Phiếu lý lịch tư pháp; Bản sao văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn… của Tổng giám đốc (Giám đốc) dự kiến.
5. Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc các văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp cho ngân hàng mẹ.
6. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cung cấp thông tin về ngân hàng mẹ.
7. Văn bản cam kết bảo đảm khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của ngân hàng mẹ (bao gồm cả hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam) trên cơ sở hợp nhất theo thông lệ quốc tế.
8. Báo cáo tài chính (kiểm toán) 05 năm liền kề.
9. Văn bản hoặc tài liệu của tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm đối với ngân hàng mẹ trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ.
10. Văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam; đảm bảo duy trì giá trị thực có của vốn được cấp của chi nhánh và đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động…
11. Báo cáo quá trình thành lập, hoạt động và định hướng phát triển của ngân hàng mẹ.
12. Văn bản của ngân hàng mẹ cử Ban trù bị và ủy quyền cho Trưởng Ban trù bị.
Bước 2: Chấp thuận nguyên tắc thành lập
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bước 3: Nộp hồ sơ bổ sung lần 2
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung sau:
1. Văn bản bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài do đại diện theo pháp luật của ngân hàng mẹ ký;
2. Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
3. Các Quy định nội bộ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ngân hàng mẹ thông qua;
4. Văn bản của Cơ quan có thẩm quyền nước nguyên xứ đánh giá ngân hàng mẹ đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Bước 4: Cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Trên đây là nội dung Thủ tục thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài
Thủ tục đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được cấp lại trong trường hợp nào? Thủ tục đề nghị cấp lại chứng [...]
Chủ thể của hợp đồng thuê khoán tài sản theo quy định của pháp luật
Chủ thể của hợp đồng thuê khoán tài sản là những ai? Pháp luật dân sự Việt Nam quy định những chủ thể này có quyền [...]