Thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Để tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập cần chuẩn bị những hồ sơ gì? Thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được quy định ra sao?
Điều kiện tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Điều kiện tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP:
Điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập
+ Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu.
+ Không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
+ Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc tổ chức lại và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
+ Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;
+ Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
+ Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Hồ sơ tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Thành phần hồ sơ tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
+ Đề án tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Tờ trình tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trong trường hợp giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Trình tự tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Bước 1: Cơ quan, tổ chức đề nghị tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập gửi 01 bộ hồ sơ tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập đến cơ quan, tổ chức thẩm định theo quy định để thẩm định.
Bước 2: Cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải lập danh mục hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể căn cứ vào văn bản đề nghị tổ chức lại, giải thể, văn bản thẩm định để ban hành văn bản tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định tổ chức lại, giải thể phải phù hợp với thẩm quyền tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp nhanh nhất.
Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng [...]
Hợp đồng gửi giữ tài sản là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay
Hợp đồng gửi giữ tài sản là gì? Hợp đồng gửi giữ tài sản có những đặc điểm pháp lí gì để phân biệt với các [...]