Thủ tục xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Thủ tục xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định hiện nay như thế nào? Dự án phải đáp ứng điều kiện nào để được hưởng ưu đãi?
Đối tượng được hưởng ưu đãi công nghiệp hỗ trợ
Theo Điều 3.1 Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20% (Điều 11.1 Nghị định 111/2015/NĐ-CP).
Điều 3.3 Thông tư 55/2015/TT-BTC quy định dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là:
– Dự án được thực hiện lần đầu hoặc hoạt động độc lập với dự án hiện có;
– Dự án đang sản xuất và được mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Xem thêm: Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định hiện nay
Hồ sơ xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Số lượng hồ sơ: 06 bản (01 bản chính và 05 bản sao). Trong đó, hồ sơ phải được niêm phong và ghi rõ bên ngoài các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký xin ưu đãi. Trường hợp các dự án có thay đổi về điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư thì gửi hồ sơ bổ sung (nội dung phần thay đổi) tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét.
Thành phần hồ sơ
1. Văn bản đề nghị xác nhận ưu đãi theo mẫu;
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
3. Thuyết minh dự án:
– Trường hợp dự án được thực hiện lần đầu hoặc hoạt động độc lập: Báo cáo (dự án) đầu tư;
– Trường hợp dự án đang sản xuất:
+ Thuyết minh hiện trạng quy trình sản xuất, cơ sở vật chất (nhà xưởng), máy móc thiết bị (bảng kê danh mục và công suất máy móc, thiết bị chuyên ngành cho các công đoạn chính phù hợp với sản phẩm và quy mô đang sản xuất của cơ sở; thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng…); công suất sản xuất; Báo cáo kiểm toán độc lập năm gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ xin xác nhận ưu đãi (hoặc báo cáo tài chính);
+ Thuyết minh đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
4. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với dự án đầu tư mới) hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường hoặc xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (đối với dự án đang hoạt động).
5. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (các tiêu chuẩn do Ủy ban tiêu chuẩn hóa Châu Âu CEN ban hành) hoặc tương đương (nếu có) do tổ chức chứng nhận được phép hoạt động chứng nhận theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa cấp.
Thủ tục xác nhận ưu đãi
Bước 1: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến tới cơ quan dưới đây:
– Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi đặt dự án hoặc Bộ Công Thương. Doanh nghiệp chỉ được nộp hồ sơ tại một cơ quan, cơ quan có thẩm quyền của địa phương gửi Quyết định xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương;
– Các đối tượng còn lại: nộp hồ sơ tại Bộ Công Thương.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định nội dung hồ sơ, trường hợp cần thiết sẽ kiểm tra thực tế tại cơ sở và phải có văn bản thông báo kết quả xác nhận ưu đãi chậm nhất sau 30 ngày làm việc. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ theo các nội dung sau:
– Sự phù hợp của dự án sản xuất đối với các quy định tại Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
– Thủ tục pháp lý của dự án.
– Tính khả thi, hợp lý của các giải pháp kỹ thuật – công nghệ áp dụng trong sản xuất của dự án.
– Năng lực tài chính, hiệu quả đầu tư của dự án.
– Khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường của dự án.
Bước 3: Xác nhận ưu đãi
Cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi thực hiện dự án hoặc Bộ Công Thương xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Công Thương xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho các đối tượng còn lại.
Căn cứ hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi của doanh nghiệp; trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan xác nhận có trách nhiệm thông báo kết quả cho doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung Thủ tục xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Ưu đãi công nghiệp hỗ trợ được áp dụng cho những sản phẩm nào?
Công nghiệp hỗ trợ là gì? Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi?
Quy trình hoạt động xếp hạng tín nhiệm hiện nay
Kết quả xếp hạng tín nhiệm tuy chỉ là thông tin tham khảo, không phải là khuyến nghị đầu tư, góp vốn nhưng cũng cần [...]
Hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách nhân sự của tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng trước khi hoạt động cần tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục đề nghị chấp thuận [...]