Thừa kế thế vị là gì? theo quy định của pháp luật dân sự
Thừa kế thế vị là gì? Pháp luật dân sự quy định thế nào về trường hợp thừa kế thế vị? Cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thừa kế thế vị là gì?
Theo nguyên tắc chung trong luật thừa kế tài sản, người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nhưng pháp luật thừa kế nước ta còn quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu của người đó được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Những trường hợp này gọi là thừa kế thế vị.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định trường hợp đặc biệt: cha, mẹ chết cùng thời điểm với ông hoặc bà thì cháu thay thế vị trí của cha hoặc mẹ nhận di sản của ông, bà (Điều 652 Bộ luật dân sự 2015).
Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố, mẹ mình (hoặc ông bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.
Cháu phải sống vào thời điểm ông, bà chết là người thừa kế thế vị của ông, bà. Chắt cũng phải sống vào thời điểm cụ chết là người thừa kế thế vị tài sản của cụ.
Xem thêm:Di sản thừa kế là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Quy định về thừa kế thế vị tại các văn bản pháp luật
Quy định về thừa kế thế vị tại Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) và Luật hôn nhân và gia đình 2014
Điều 653 BLDS quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về Người thừa kế theo pháp luật và Thừa kế thế vị.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) thì Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, Luật nuôi con nuôi, BLDS và các luật khác có liên quan.
Căn cứ vào các quy định tại các Điều 104, 106, 113, 114 Luật HNGĐ thì con nuôi không có mối quan hệ về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng nhau đối với những người thân thích thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi như, bố mẹ của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi.
Hay nói cách khác, người con nuôi không thể là cháu ruột của những người này, do vậy người con nuôi không thể là người thừa kế của những người như trên. Tuy nhiên, người làm con nuôi người khác vẫn có quan hệ với gia đình cha mẹ đẻ cho nên là người thừa kế theo quy định về Người thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế thế vị của những người thân thích.
Quy định về thừa kế thế vị tại Luật nuôi con nuôi 2010
Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi tại Khoản 1 Điều 24 như sau: Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại
Thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là trách nhiệm của người thừa kế theo pháp luật dân sự. Vậy [...]
Nghĩa vụ là gì? Quy định của pháp luật về nghĩa vụ dân sự
Nghĩa vụ có nhiều loại khác nhau như nghĩa vụ của bố mẹ với các con, nghĩa vụ tuân theo pháp luật,…Tuy nhiên nội [...]