Những quy định mới nhất về tiền lương theo Bộ luật lao động 2012
Tiền lương là gì? Những quy định mới nhất về tiền lương theo Bộ luật lao động 2012? Các vấn đề này được quy định như sau:
Tiền lương là gì?
Tiền lương có thể được hiểu là thu nhập do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động trên cơ sở đã thỏa thuận từ trước để thực hiện một công việc cụ thể.
Khái niệm về tiền lương cũng được quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2012, là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó:
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
– Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
– Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Xem thêm: Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hiện nay
Một số quy định về tiền lương
Việc quy định về tiền lương chi trả cho người lao động phải lưu ý đến một số vấn đề rút ra được từ các quy định của Bộ luật lao động 2012 như sau:
Thứ nhất, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Ở thời điểm hiện tại, theo quy định của Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được thể hiện như sau:
Các vùng | Mức lương tối thiểu vùng |
Vùng I | 4.180.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.710.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.250.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 2.920.000 đồng/tháng |
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2020 khi Nghị định 90/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thì mức lương tối thiểu vùng có sự thay đổi nhất định. Cụ thể như sau:
Các vùng | Mức lương tối thiểu vùng |
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng |
Thứ hai, căn cứ trả tiền lương trả cho người lao động
Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.
Trên cơ sở thỏa thuận trước khi thực hiện công việc được ghi nhận trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động sẽ bàn bạc và đi đến sự thống nhất trong vấn đề tiền lương.
Ngoài ra, người lao động có thể căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc để trả lương cho người lao động.
Thứ ba, việc trả lương phải đầy đủ và đúng hạn
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn như theo thời gian đã thỏa thuận trước khi bắt đầu thực hiện công việc.
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
– Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
– Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Thứ tư, về hình thức trả lương
Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Xem thêm: Cách tính tiền lương cho người lao động trong doanh nghiệp
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Những quy định mới nhất về tiền lương theo Bộ luật lao động 2012” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Trường hợp người lao động nước ngoài không phải xin giấy phép lao động
Khi các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động nước ngoài, xin cấp giấy phép lao động là điều đầu tiên doanh nghiệp [...]
Doanh nghiệp được chậm thanh toán lương cho nhân viên trong bao lâu?
Doanh nghiệp được chậm thanh toán lương cho nhân viên trong bao lâu? Hãy cùng Chìa Khoá Pháp luật tìm hiểu qua bài viết dưới [...]