Thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/05/2017 hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở với các nội dung chính như sau:
1. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
– Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
– Vụ, việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
– Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý;
– Có văn bản hòa giải thành. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba;
– Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
2. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở: là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.
3. Thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
– Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (là một bên hoặc cả hai bên) phải gửi đơn đến Tòa án theo quy định tại Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Hồ sơ Kèm theo đơn yêu cầu: người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Văn bản về kết quả hòa giải thành do hòa giải viên ở cơ sở lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 và Khoản 2 Điều 24 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013.
– Thời hạn gửi đơn: Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày lập văn bản hòa giải thành.
4. Hiệu lực của Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án
– Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
– Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở.
– Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
5. Lệ phí thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành
Người nộp đơn yêu cầu Tòa ánra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự. Mức lệ phí là 300.000 đồng quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14.
6. Việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở tại Công văn số 1503/BTP-PBGDPL của Bộ Tư Pháp LawKey gửi đến bạn đọc.
Đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì khi nghỉ việc cần làm gì?
Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc [...]
Công ty môi giới thương mại vốn nước ngoài theo quy định hiện nay
Doanh nghiệp FDI có được phép hoạt động môi giới thương mại không? Công ty môi giới thương mại vốn nước ngoài được [...]