Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định Bộ luật Hình sự
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được Bộ luật Hình sự quy định như thế nào? Hình phạt cho tội này ra sao? Cùng LawKey tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Khái niệm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 2015 SĐ, BS 2017.
Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý hình sự theo tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
(Điều 153: Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; Điều 377: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật).
Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm
Các hành vi của tội bắt, giữ hoặc giam người trái PL xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân được PL bảo vệ.
Mặt khách quan của tội phạm
Bắt người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ.
Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay…
– Giữ người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội trong một khoảng thời gian ngắn.
– Giam người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt ở trong nhà…).
– Dấu hiệu khác: Hành vi bắt, giữ hoặc giam người nêu trên phải trái pháp luật.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm bắt, giữ hoặc giam người trái PL.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Mục đích phạm tội chính là bắt, giữ giam người khác, tước bỏ quyền tự do của họ, làm họ lệ thuộc vào người phạm tội.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hình phạt
Khung hình phạt tại Khoản 1:
Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung hình phạt tại Khoản 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung hình phạt tại Khoản 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
+ Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là bài viết về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Khái niệm giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay
Khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm [...]
Cá nhân bán hàng online có phải đóng thuế hay không?
Theo quy định pháp luật hiện nay thì cá nhân bán hàng online có phải đóng thuế hay không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]