Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Những dấu hiệu đặc trưng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì? Hãy tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Dấu hiệu tội phạm
Căn cứ quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nội dung cơ bản của tội này được hiểu như sau:
Tội phạm này có đặc trưng là thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Dùng thủ đoạn gian dối
Qua thực tiễn xét xử đối với các tội này có thể khẳng định rằng, người nào thông qua hợp đồng để nhận tài sản nhưng không có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu tài sản nhưng lại thực hiện hành vi như một chủ sở hữu tài sản đích thực để chiếm đoạt tài sản đều được coi là hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” và đều bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ tại bản án số 70/2023/HS-ST ngày 31/8/2023 của TAND thị xã H, tỉnh T; Bản án số 09/2023/HS-ST ngày 06/11/2023 của TAND huyện Đ, tỉnh Đ hay nhiều bản án khác được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án đều có tình tiết, sự kiện pháp lý là: lợi dụng lòng tin của B nên A thuê xe hoặc mượn xe (trị giá trên 4 triệu đồng) của B, sau đó A đem xe đi cầm cố hoặc bán cho C để lấy tiền, chiếm đoạt tài sản của B. Các trường hợp này được coi là dùng thủ đoạn gian dối và bị xử về tội danh nêu trên.
Đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả
Mới đây, VKSNDTC đã có Công văn số 4962/VKSTC-V14 ngày 15/11/2023 về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023 đã nêu:
“Trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền, người bán hộ tài sản sau khi bán được, hưởng hoa hồng theo thỏa thuận và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán, người này nêu lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) thì có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 để xử lý hay không?
Trả lời: Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015, thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện: (1) đến thời hạn trả lại tiền; (2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015”.
Như vậy, để xem xét hành vi của người nào đó có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt thuộc hành vi này hay không thì bắt buộc các cơ quan tố tụng cần phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hay không để làm căn cứ áp dụng pháp luật.
>>>Xem thêm: Phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm
– Về hành vi:
+ Người phạm tội chiếm hữu tài sản của người bị hại một cách hợp pháp thông qua các hình thức vay mượn, thuê tài sản của người bị hại hoặc nhận tài sản của người bị hại dưới các hình thức hợp đồng.
+ Sau khi chiếm hữu tài sản của người bị hại thông qua một trong các hình thức trên, nhưng người phạm tội không thực hiện những gì đã cam kết với người bị hại mà dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho người bị hại.
– Về mặt hậu quả: Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản của người bị hại có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm
– Lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người bị hại, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người bị hại bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
– Mục đích của hành vi phạm tội: Nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại trái pháp luật.
Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
Chủ thể của tội phạm
Người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS
Trên đây là nội dung bài viết Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hãy liên hệ Lawkey để sử dụng Dịch vụ luật sư bào chữa, bảo vệ các vụ án hình sự nhé.
Các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
An toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng trong đời sống xã hội của mọi người, do vậy mà các điều kiện đối với [...]
Quy định về phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng
Phát hành giấy tờ có giá là một trong những hình thức huy động vốn của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng [...]