Ai có trách nhiệm trong trường hợp giấy tờ giả mạo được công chứng?
Ai có trách nhiệm trong trường hợp giấy tờ giả mạo được công chứng? Người yêu cầu công chứng sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo bị xử phạt thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn xây nhà trên mảnh đất X ( mảnh đất tôi mua lại từ người quen) nhưng vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa được phép xây dựng. Tôi nhờ A là cò đất giúp đỡ. A đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất X nhưng để tên mình là người đứng tên cùng một số giấy tờ giả mạo khác và sau đó bán mảnh đất lại cho B với giá cao. A và B ký hợp đồng mua bán và đã công chứng hợp đồng đó tại phòng công chứng C. Khi B xây xong nhà trên mảnh đất thì tôi phát hiện. Tôi và B xảy ra tranh chấp.
Vậy luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này, ai là người chịu trách nhiệm chính? Phòng công chứng C có phải chịu trách nhiệm với vụ việc nêu trên và bị xử phạt hay không? Tôi có được phòng công chứng bồi thường thiệt hại không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Các hành vi bị nghiêm cấm
Khoản 2 Điều 7 Luật công chứng 2014 quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau đây:
– Giả mạo người yêu cầu công chứng;
– Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;
– Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực;
– Cản trở hoạt động công chứng.
Xem thêm: Các trường hợp từ chối công chứng theo quy định của pháp luật
Quy định về người yêu cầu công chứng
Điều 47 Luật công chứng quy định về người yêu cầu công chứng như sau:
– Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.
– Trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.
– Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
Một số nghĩa vụ của công chứng viên
Công chứng viên có một số nghĩa vụ sau đây:
– Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
– Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
– Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;
– Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;
– Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên.
Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định của pháp luật
Xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng
Người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xử lý vi phạm đối với công chứng viên
Công chứng viên vi phạm quy định của Luật công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng
Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Thứ nhất, về người chịu trách nhiệm chính trong trường hợp này
A cố tình làm giả giấy tờ và đã vi phạm nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật công chứng. Cụ thể, điều luật quy định nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Do đó, A là người chịu trách nhiệm chính.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của A mà A sẽ bị:
– Xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 12 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch.”
– Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 ) hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 ,…
Thứ hai, về trách nhiệm của phòng công chứng C
Điểm c Khoản 2 Điều 17 Luật công chứng quy định công chứng viên có nghĩa vụ ” tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng.” Việc công chứng viên xem xét tính hợp pháp của các loại giấy tờ là biện pháp để thực hiện nghĩa vụ trên. Do đó, công chứng viên có một phần trách nhiệm trong việc xác định giấy tờ giả mạo. Vì phải chịu trách nhiệm một phần nên phòng công chứng C cũng bị xử phạt tùy theo mức độ do mình gây ra.
Trường hợp khi cơ quan điều tra chứng minh được công chứng viên biết giấy tờ giả mà vẫn chứng thì tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà bị:
– Xử phạt hành chính theo Điểm đ khoản 3 Điều 14 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch;
– Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Khoản 11 Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017:
“11. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Thứ ba, về quyền được hưởng bồi thường thiệt hại của anh/chị
A là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật nên A là người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho anh/chị.
Ngoài ra, Điều 38 Luật công chứng đã quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng đối với thiệt hại do công chứng viên của tổ chức mình gây ra như sau: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Do đó, anh/chị sẽ được bồi thường một phần thiệt hại từ phòng công chứng C.
Trên đây là nội dung Ai có trách nhiệm trong trường hợp giấy tờ giả mạo được công chứng? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong hoạt động công chứng
Các hành vi bị cấm trong hoạt động công chứng theo quy định hiện nay
Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự và tính chính xác, hợp pháp, [...]
Quy định về thủ tục lập vi bằng
Thủ tục lập vi bằng theo quy định của pháp luật hiện hành được thực hiện như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]