Trình tự thủ tục thành lập công đoàn cơ sở
TRÌNH TỰ THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Công đoàn là tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia cùng với cơ quan nhà nước hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Trình tự thủ tục thành lập công đoàn cơ sở được quy định tại Bộ luật lao động 2012, Luật Công đoàn 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở
Theo Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam, để thành lập công đoàn cơ sở thì cần có đủ hai điều kiện:
Thứ nhất, phải có tư cách pháp nhân. Điều kiện để trở thành pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này (Có cơ quan điều hành, cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật)
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Thứ hai, phải có ít nhất 5 đoàn viên công đoàn hoặc 5 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 190 Bộ luật lao động 2012, hành vi ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm đối với người sử dụng lao động. Ngoài việc đáp ứng về chỉ tiêu đoàn viên công đoàn, người lao động thối thiểu ra thì nguyên tắc cơ bản và bắt buộc là sự tự nguyện phải được đảm bảo hàng đầu.
2. Thời gian thành lập Công đoàn cơ sở
– Cũng theo Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP, chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
– Sau thời gian quy định, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
3. Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn cơ sở
Trình tự thủ tục thành lập công đoàn cơ sở như sau:
Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động):
– Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.
– Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
– Nội dung hội nghị gồm:
– Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
– Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);
– Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
– Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
– Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.
– Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
Bước 3: Ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở
– Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên – Công đoàn cơ sở – Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
+ Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
– Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.
+ Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.
+ Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
Trên đây là nội dung về trình tự thủ tục thành lập công đoàn cơ sở Lawkey gửi tới bạn đọc
Điểm mới về thời giờ làm việc trong Bộ luật lao động 2019
Để bảo vệ quyền lợi, người lao động và người sử dụng lao động cần biết những điểm mới về thời giờ làm việc [...]
Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình
Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình được quy định như thế nào? Người ký kết hợp [...]