Trợ cấp tai nạn lao động có tính phụ cấp không
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về vấn đề trợ cấp tai nạn lao động có tính phụ cấp không theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi vào công ty làm việc được 10 năm, nay tôi bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động là 37%. Lương của tôi thời điểm mới ký hợp đồng là 3.000.000 đồng, đến nay mức lương của tôi là 7.500.000 đồng có cả phụ cấp lương cho tôi, vì tôi là lái xe. Vậy luật sư cho tôi hỏi, nếu tôi được bồi thường tai nạn lao động thì mức hưởng như thế nào và phụ cấp có được tính vào không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề phụ cấp có được tính vào tiền lương để chi trả trợ cấp tai nạn lao động hay không?
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật theo Bộ luật lao động 2012.
Theo đó khi tính mức bồi thường được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT – BLĐTBXH thì, mức bồi thường là mức lương trên hợp đồng lao động, tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Cụ thể đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, bao gồm cả tiền lương theo công việc, chức danh và phụ cấp lương (nếu có).
Như vậy, phụ cấp lương được tính vào tổng tiền lương trên hợp đồng khi bồi thường cho người lao động nếu trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận khác (Ví dụ: hai bên tiến hành thỏa thuận, tiền lương làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội là khoản được thỏa thuận trên hợp đồng lao động. Trong khi thực chất, bên ngoài họ vẫn có phụ cấp).
Xem thêm: Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động
Thứ hai, về mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động
Đối với người lao động được người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội
– Hưởng trợ cấp một lần:
Theo Điều 46 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
– Hưởng trợ cấp hằng tháng:
Theo Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Xem thêm: Những điều kiện hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
– Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật:
Theo Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Hưởng chế độ từ người sử dụng lao động
– Đối với chi phí y tế:
+ Theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo chi phí y tế, nhất là các chi phí y tế cho đối tượng chưa đóng bảo hiểm y tế hoặc chi phí vượt quá tiêu chuẩn bảo hiểm y tế, từ khi điều trị đến khi ổn định.
+ Theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 44/2013/NĐ-CP, đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động
– Đối với tiền lương:
Theo khoản 2 Điều 144 Bộ luật lao động 2012 và điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 44/2013/NĐ-CP, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, thì dù người sử dụng lao động có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động hay không thì người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
– Đối với trợ cấp, bồi thường:
Theo khoản 3 Điều 144 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 Bộ luật này. Theo đó:
+ Với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (ở phần 2.1).
+ Với người lao động mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của hai bên.
+ Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
+ Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% đối với từng mức suy giảm khả năng lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn về Trợ cấp tai nạn lao động có tính phụ cấp không LawKey gửi tới bạn đọc.
Tổng hợp mức phạt hành chính về tệ nạn xã hội
Tổng hợp mức phạt hành chính về tệ nạn xã hội? Những tệ nạn xã hội nào thường gặp phải hiện nay? Hãy cùng LawKey [...]
Trợ cấp tai nạn lao động có tính phụ cấp không
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về vấn đề trợ cấp tai nạn lao động có tính phụ cấp không theo quy định [...]