Trường hợp nhãn hiệu trùng với địa danh có vi phạm pháp luật không?
Trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu trùng với tên địa danh xã có phù hợp với quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Tháng 7/2008 công ty TNHH OL ( Công ty OL) được UBND tỉnh X cho phép xây dựng nhà máy sản xuất vải may tại xã Trung Thành, huyện Trung Sơn, tỉnh X. Công ty được cấp GCN đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu “Trung Thành” vào ngày tháng 11/2013
Tháng 7/2014, công ty của tôi- công ty CP thương mại đầu tư LANJ (công ty LANJ) gửi đơn khiếu nại đến cục SHTT yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hiệu lực Giấy chứng nhận cho nhãn hiệu “Trung Thành” với lí do cụm từ “Trung Thành” trùng với tên địa danh xã “Trung Thành” và việc công ty OL đăng ký nhãn hiệu này không được UBND cho phép. Trong trường hợp này, lí do công ty tôi đưa ra có phù hợp với quy định pháp luật không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Xem thêm: Khả năng phân biệt nhãn hiệu theo pháp luật sở hữu trí tuệ
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
– Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
– Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Thứ nhất, về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu “Trung Thành”
Tại khoản 5 Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định “Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.” không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.
Tuy nhiên, có thể hiểu “Trung Thành” trong nhãn hiệu của công ty OL là một tính từ, không phải là một địa danh để chỉ nguồn gốc địa lý, xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, xã Trung Thành không phải một xã nổi tiếng và sản phẩm vải may cũng không được nhiều người biết đến như một sản phẩm mang dấu ấn của xã Trung Thành. Vì vậy nó không hề gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ, không hề vi phạm quy định về điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu.
Thứ hai, về việc đăng ký nhãn hiệu “Trung Thành” không được UBND cho phép
Theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 37 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN, văn bản cho phép đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc một địa phương);
– Tất cả các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc nhiều địa phương).”
Như vậy, chỉ văn bản cho phép đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương cấp.
Trong trường hợp trên Công ty OL đăng ký nhãn hiệu “Trung Thành” là nhãn hiệu thông thường nên không cần có sự cho phép của UBND.
Thứ ba, về việc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Theo như phân tích Lawkey đã đưa ra ở trên, nhãn hiệu “Trung Thành” không vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, lí do công ty anh/chị đưa ra để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung tư vấn Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Tác phẩm và điều kiện bảo hộ tác phẩm
Tác phẩm được hiểu là kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học đã được ấn [...]
Thủ tục tách đơn đăng ký sáng chế theo quy định mới nhất
Người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể làm tách đơn đăng ký ình đã nộp. Và dưới đây là thủ tục tách đơn đăng [...]