Có được tự ý thuyên chuyển công tác người lao động không?
Việc chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hiện nay được quy định như thế nào? Có được tự ý thuyên chuyển công tác người lao động không?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty có thông báo cho tôi về việc công ty đang giảm biên chế các phòng ban. Và thông báo là tôi sẽ phải chuyển sang bộ phận khác không theo hợp đồng đã ký và có nói nếu không chuyển thì đồng nghĩa với việc nghỉ việc. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp này công ty làm vậy có đúng không? Tôi được những quyền lợi gì khi không chuyển bộ phận và nghỉ việc?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Về vấn đề chuyển người lao động làm công việc khác
Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) quy định về Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:
“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Theo đó, chỉ trong một số trường hợp cụ thể người sử dụng lao động mới được điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong tối đa 60 ngày làm việc nếu được người lao động đồng ý bằng văn bản.
Về lý do thay đổi cơ cấu lao động
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế được quy định tại điều 42 BLLĐ:
“1. Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
c) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
2. Những trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:
a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
3. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
4. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này.
5. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.
6. Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.”
Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 35 BLLĐ thì một trong những điều kiện để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là “Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận…”
Xem thêm: Thế nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Căn cứ theo các quy định nêu trên, anh/ chị phải đối chiếu lại lý do công ty điều chuyển anh/chị để xem xét có thuộc trường hợp quy định tại điều 31 Bộ luật lao động hay không?
Nếu việc giảm biên chế các phòng ban không thuộc các trường hợp đã nêu và anh/chị không đồng ý với quyết định chuyển công tác này của công ty thì anh/chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, anh/chị cần báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, anh/chị sẽ không phải bồi thường bất cứ khoản chi phí nào cho công ty, công ty sẽ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc và các khoản tiền lương, tiền công khác (nếu có) cho anh/chị khi chấm dứt hợp đồng.
Trên đây là nội dung Có được tự ý thuyên chuyển công tác người lao động không? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ mới nhất
Người lao động có được thưởng dịp tết Dương lịch 2025 không?
Người lao động có được thưởng dịp tết Dương lịch 2025 không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Người [...]
04 quyền lợi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo quy định, những quyền lợi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của người lao động sẽ có khác biệt [...]