Mức phạt hành chính đối với vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng
Mức phạt hành chính đối với vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư, xây dựng là bao nhiêu tiền? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mức phạt hành chính đối với vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng
Theo Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
(1) Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.
(2) Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền;
- Cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
(3) Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Thi công công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
- Chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
(4) Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
(5) Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng
Theo Khoản 6 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
♣ Buộc thực hiện thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi vi phạm sau đây:
- Cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nêu tại điểm 2).
- Thi công công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nêu tại điểm 3).
- Chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy(nêu tại điểm 3).
♣ Buộc thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (nêu tại điểm 4).
♣ Buộc thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nêu tại điểm 5).
♣ Buộc nộp lại giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp (nêu tại điểm 2).
>>Xem thêm: Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi xâm phạm nghiêm trọng đến dang dự, sức khỏe của trẻ vị thành niên. Vậy pháp [...]
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong những biện pháp hành chính được quy định [...]