Xác định thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một dạng của thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật dân sự. Vậy, thế nào là thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định thế nào về việc xác định thiệt hại?
Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất gồm:
Tổn thất về tài sản
– Tổn thất về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ.
– Giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo cách xác định nêu trên được xác định theo một hoặc các căn cứ sau:
+ Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
+ Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ;
+ Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
+ Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
– Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường tổn thất về tài sản phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó.
Ví dụ: Nếu yêu cầu bồi thường tổn thất về tài sản do sáng chế bị xâm phạm, thì nêu rõ giá trị của sáng chế đó tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ để xác định giá trị của sáng chế.
Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận
– Để xác định giảm sút về thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại, thì phải xác định được họ có thu nhập, lợi nhuận trước khi xảy ra hành vi xâm phạm hay không.
– Thu nhập, lợi nhuận bao gồm:
+ Thu nhập, lợi nhuận thu được do sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. VD: Chủ sở hữu sáng chế sản xuất sản phẩm được bảo hộ và bán sản phẩm đó thu lợi nhuận.
+ Thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. VD: Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh cho thuê bản sao tác phẩm điện ảnh và được nhận tiền thù lao, các quyền lợi vật chất khác của tổ chức, cá nhân được thuê tác phẩm điện ảnh đó.
+ Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. VD: Chủ sở hữu sáng chế ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng sáng chế được nhận khoản tiền chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo thoả thuận.
– Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo một hoặc các căn cứ sau:
+ So sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập;
+ So sánh sản lượng, số lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;
+ So sánh giá bán thực tế trên thị trường của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.
Tổn thất về cơ hội kinh doanh
– Cơ hội kinh doanh bao gồm:
+ Khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh. Đối với chủ thể quyền, việc sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của mình trong kinh doanh (trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi) có thể xuất hiện, có thể xảy ra trong Điều kiện nhất định.
+ Khả năng thực tế cho người khác thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền có thể cho cá nhân, tổ chức thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và đã thực hiện việc đàm phán, thoả thuận với cá nhân, tổ chức về những nội dung chủ yếu để đi đến ký kết hợp đồng thuê đối tượng đó. Hợp đồng sẽ được ký kết và thực hiện trong Điều kiện bình thường không có sự xâm phạm từ người thứ ba.
+ Khả năng thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho người khác. Chủ thể quyền nhận được đơn đặt hàng đã đàm phán, thoả thuận với đối tác về những nội dung chủ yếu để đi đến ký kết hợp đồng và hợp đồng sẽ được ký kết và được thực hiện trong Điều kiện không có sự xâm phạm từ phía người thứ ba.
+ Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra. VD: việc mất cơ hội đàm phán với đối tác, mất cơ hội kinh doanh, liên kết trong đầu tư, trong tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày quốc tế… do bị chiếm đoạt đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
– Tổn thất về cơ hội kinh doanh là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền của khoản thu nhập đáng lẽ người bị thiệt hại có thể có được khi thực hiện các khả năng nêu trên nhưng thực tế không có được khoản thu nhập đó do hành vi xâm phạm gây ra.
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hoá xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm.
Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.
Lưu ý:
– Tổn thất thực tế phải có đủ các căn cứ:
+ Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả của quyền sở hữu trí tuệ và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.
+ Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích nêu trên: Người bị thiệt hại có thể đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong điều kiện nhất định, nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.
+ Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm và giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả. Sự giảm sút, mất lợi ích đó là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
– Mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả trưng cầu giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức thiệt hại.
Trên đây là một số nội dung về vấn đề xác định thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với Lawkey để được giải đáp.
Nhãn hiệu chứng nhận
Chủ nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu trong quá trình chứng nhận [...]
Quy định của pháp luật về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Mọi cá nhân, tổ chức có đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ đều có thể đăng ký sở hữu [...]