Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại
Tên thương mại là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Để bảo vệ đối tượng này, pháp luật đã quy định các hành vi xâm phạm đối với tên thương mại. Vậy, hành vi nào được coi là xâm phạm?
Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại tại Điều 129, theo đó, hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại là: Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại
Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại.
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với tên thương mại được bảo hộ và phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, dựa trên các căn cứ sau đây:
– Thứ nhất, dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;
– Thứ hai, sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.
Trên đây là nội dung Lawkey đưa đến bạn đọc. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Xem thêm: Đặt tên thương mại tương tự với công ty khác có được không?
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
Luật Sở hữu trí tuệ có quy định có trường hợp cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Vậy, [...]
Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng
Chủ văn bằng bảo hộ là một chủ thể của quyền đối với giống cây trồng. Vậy quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng [...]