Xử lý văn bản công chứng do người giả mạo ký theo quy định hiện nay
Xử lý văn bản công chứng do người giả mạo ký theo quy định hiện nay được hiểu như thế nào? Pháp luật quy định xử lý việc giả mạo chữ ký trong văn bản công chứng như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2018, tôi có việc đi công tác nước ngoài. Khi trở về, tôi phát hiện có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng giữa tôi và chồng tôi là X đã được công chứng vào tháng 5/2018 tại văn phòng công chứng A. Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất số XXX.Theo đó, tài sản chung của hai người được giao cho X toàn quyền sở hữu.
Vậy trong trường hợp này, tôi phải làm gì để đòi lại quyền lợi của mình? Pháp luật quy định xử lý việc giả mạo chữ ký trong văn bản công chứng như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Giao dịch dân sự là gì?
Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
Xem thêm: Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu trong một số trường hợp
Giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng đối với cá nhân, tổ chức
Khoản 2 Điều 7 Luật công chứng 2014 quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau:
– Giả mạo người yêu cầu công chứng;
– Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;
– Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực;
– Cản trở hoạt động công chứng.
Xem thêm: Các trường hợp từ chối công chứng theo quy định của pháp luật
Ai có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu?
Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Đối chiếu với tình huống của chị
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Luật công chứng, trường hợp trong lúc chị đi công tác, anh X đã giả mạo chữ ký chị để ký vào văn bản thỏa thuận đó thì X đã phạm phải những điều cấm trong hoạt động công chứng đối với cá nhân.
Điều 123 BLDS quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, theo đó, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật (những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định) thì vô hiệu. Theo đó, chị hoàn toàn có căn cứ khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu do nội dung của văn bản đã vi phạm điều cấm của Luật công chứng.
Theo quy định tại Điều 52 Luật công chứng 2014 về người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, chị là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và hoàn toàn có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung giữa chị và chồng chị vô hiệu.
BLDS quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 131 gồm:
– Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
– Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Trên đây là nội dung Xử lý văn bản công chứng do người giả mạo ký theo quy định hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Có được hủy hợp đồng mua bán đất đã được công chứng không ?
Quy định về công chứng di chúc theo pháp luật hiện nay
Công chứng di chúc là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo [...]
02 trường hợp chuyển đổi Phòng công chứng
Theo quy định hiện nay thì các trường hợp nào sẽ được chuyển đổi Phòng công chứng? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]