Ủy quyền quản lý nhà ở phải lập thành hợp đồng ủy quyền không?
Trường hợp cá nhân ủy quyền quản lý nhà ở cho người thân có phải lập thành hợp đồng ủy quyền không?
Tóm tắt câu hỏi:
Vì phải đi công tác nước ngoài nên tôi không thể trực tiếp quản lý và sử dụng ngôi nhà thuộc sở hữu của tôi tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi quyết định ủy quyền cho em trai tôi quản lý ngôi nhà đó. Vậy trong trường hợp tôi ủy quyền quản lý nhà ở cho người thân thì có thể viết giấy ủy quyền hay phải lập thành hợp đồng ủy quyền? Pháp luật quy định thế nào về việc ủy quyền quản lý nhà ở?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Ủy quyền là gì?
Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định tại Điều 135 “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (đại diện theo pháp luật)”
Hình thức ủy quyền
Pháp luật không quy định cụ thể các hình thức ủy quyền nhưng tại khoản 1 Điều 140 về thời hạn đại diện quy định:
– Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định nêu trên thì thời hạn đại diện được xác định như sau:
+ Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;
+ Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.
Theo Điều 140 trên, pháp luật vẫn ghi nhận hình thức ủy quyền bằng văn bản nhưng cũng không quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác.
Đối với hình thức ủy quyền bằng văn bản, trong thực tế vấn đề còn nhiều tranh cãi và cần bàn luận là khi nào thể hiện dưới hình thức Giấy ủy quyền và khi nào là Hợp đồng ủy quyền.
Giấy ủy quyền
Thuật ngữ “Giấy ủy quyền” được ghi nhận tại nhiều văn bản pháp luật khác mà không được quy định cụ thể tại BLDS
Ví dụ: theo khoản 1 Điều 107 Luật sở hữu trí tuệ 2005 “Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền”. Vì vậy khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ khác, chủ sở hữu ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục bằng giấy ủy quyền.
Thuật ngữ “Giấy ủy quyền” cũng được ghi nhận tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 14/04/2014 về đăng ký xe “Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác”.
Hợp đồng ủy quyền
Điều 562 BLDS quy định Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở
Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý, sử dụng nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.
Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền; nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền.
Bên ủy quyền phải trả chi phí quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Cả hai hình thức ủy quyền bằng văn bản đã nêu ở trên đều được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, cần căn cứ cụ thể vào đối tượng công việc ủy quyền để xác định đúng hình thức ủy quyền. Vì có những công việc khi ủy quyền, pháp luật quy định phải lập thành Hợp đồng ủy quyền và khi đó Bên ủy quyền và bên được ủy quyền phải tuân thủ hình thức này.
Đối với việc ủy quyền quản lý nhà ở, khoản 2 Điều 155 Luật nhà ở 2014 quy định phải được lập thành Hợp đồng. Cụ thể “Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền; nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền”.
Như vậy, trong trường hợp anh/chị ủy quyền quản lý nhà ở cho người thân thì phải lập thành hợp đồng ủy quyền.
Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Có được ủy quyền xin cấp phiếu lý lịch tư pháp không?
Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Hồ sơ đăng ký hạn mức nhận ủy thác bao gồm những giấy tờ nào? Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián [...]
Các trường hợp bị hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định pháp luật
Quyền định đoạt là một trong ba quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản của mình; quyền này chỉ bị hạn [...]