Cá nhân có quyền thay đổi tên không? theo quy định của pháp luật
Cá nhân có quyền thay đổi tên không? Pháp luật dân sự quy định những trường hợp nào cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên?
Tóm tắt câu hỏi:
Con tôi năm nay 7 tuổi đang học lớp 2, dạo này cháu thường xuyên khóc đòi ở nhà, không muốn đi học vì cháu thấy xấu hổ khi bị các bạn trêu chọc vì ở lớp cháu thường bị các bạn trêu tên của cháu thành cụm từ không hay, ảnh hưởng đến việc cháu tập trung theo học trên lớp. Chính vì vậy, tôi muốn thay đổi tên cho cháu được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Quyền nhân thân
Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Xem thêm: Quyền nhân thân của tác giả
Quyền có họ, tên
Điều 26 BLDS quy định về quyền có tên, gồm một số nội dung chính sau:
– Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
– Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
– Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
– Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.
Lưu ý, Cha đẻ, mẹ đẻ theo quy định là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Quyền thay đổi tên
Điều 28 BLDS quy định Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
– Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
– Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
– Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
– Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
– Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Lưu ý:
– Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
– Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Điểm a khoản 1 Điều 28 BLDS quy định Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
Trong trường hợp của anh/chị, việc sử dụng họ, tên gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích của con trai anh/chị. Do đó, căn cứ các quy định nêu trên, anh/chị có thể làm các thủ tục thay đổi họ tên cho cháu theo quy định của pháp luật về hộ tịch hiện hành.
Trên đây là nội dung Cá nhân có quyền thay đổi tên không? theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản của người chưa thành niên
Bạo hành người khác do cuồng tín bị xử lý như thế nào
Ngày 9/6/2024, Công an TP Phan Thiết tiến hành điều tra vụ việc bạo hành người khác do cuồng tín. Như vậy các chế tài xoay [...]
Cấp Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HÀNG HÓA KHÔNG THAY ĐỔI XUẤT XỨ Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CPvề hướng [...]