Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là một trong các sắc thuế phổ biến ở nước ta hiện nay. Vậy khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế giá trị gia tăng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Khái niệm thuế giá trị gia tăng
Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 quy định khái niệm thuế giá trị gia tăng như sau:
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng có các đặc điểm cơ bản sau:
– Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Người mua là người chịu thuế nhưng không trực tiếp nộp thuế mà do người bán nộp hộ.
– Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn.
– Thuế giá trị gia tăng là yếu tố cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ. Là khoản thu cộng thêm vào giá bán của người cung cấp.
– Tổng bù trừ số thuế ở các khâu bằng số thuế cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả.
– Thuế giá trị gia tăng là loại thuế có tính trung lập cao vì:
- Thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố chi phí. Nó là yếu tố cộng thêm ngoài giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
- Thuế giá trị gia tăng ít mức thuế suất. Theo quy định hiện hành, thuế giá trị gia tăng chỉ có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%.
- Số thuế phát sinh không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế;
- Không chịu ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức, phân chia sản xuất kinh doanh vì tổng số thuế các khâu bằng
số thuế trên giá bán cuối; - Phạm vi áp dụng chỉ trong lãnh thổ Việt Nam nên tạo ra sự công bằng trong giao dịch quốc tế (xuất khẩu, nhập khẩu).
– Thuế giá trị gia tăng có tính chất lũy thoái so với thu nhập.
– Thuế giá trị gia tăng có tính không trùng lặp.
Vai trò của thuế giá trị gia tăng
Thuế là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế. Vai trò của thuế giá trị gia tăng được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:
– Thuế giá trị gia tăng có tác dụng điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
– Thuế giá trị gia tăng là khoản thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước. Ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 20 – 30% trong tổng thu từ thuế, phí và lệ phí.
– Thuế giá trị gia tăng không trùng lặp do loại thuế này chỉ tính vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ qua các khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng mà không tính vào phần giá trị đã chịu thuế giá trị gia tăng ở các khâu trước. Thuế đã nộp ở các khâu trước được tính khấu trừ ở khâu sau do đó có tác dụng khuyến khích các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích chuyên môn hoá, hợp tác hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
– Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thông qua áp dụng mức thuế suất 0%. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ không những không phải chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu xuất khẩu mà còn được hoàn toàn bộ số thuế đầu vào đã thu ở khâu trước. Điều này có tác dụng giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
– Thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán kế toán; sử dụng hoá đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng.
Trên đây là nội dung bài viết Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế giá trị gia tăng. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Quy định về các khoản giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN
Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, [...]
Ghi sai thuế suất khi giảm thuế GTGT xuống 8% mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh xử lý thế nào?
Việc xử lý hóa đơn ghi sai thuế suất khi giảm thuế GTGT xuống 8% mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh được quy định [...]