Trình tự, thủ tục đăng ký người giám hộ
Người giám hộ là gì? Trình tự, thủ tục đăng ký người giám hộ được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Thế nào là người giám hộ?
Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 BLDS thì người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
– Người mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định này thì những người giám hộ có thể phân chia thành các nhóm sau:
– Những người bắt buộc phải có người giám hộ bao gồm: người mất năng lực hành vi dân sự; người dưới 15 tuổi không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị toà án hạn chế quyền của cha, mẹ.
– Người được giám hộ theo yêu cầu của cha, mẹ khi cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên.
– Những người từ 15 đến dưới 18 tuổi không bắt buộc phải có người giám hộ nếu họ phát triển bình thường về thể chất.
Xem thêm : Giám hộ là gì? Quy định về người giám hộ và người được giám hộ
2. Điều kiện để đăng ký trở thành người giám hộ
Cá nhân là người giám hộ phải có các điều kiện được quy định ở Điều 60 Bộ luật Dân sự. Các điều kiện đó là:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
– Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.
Tuy điều luật này không quy định rõ điều kiện cần thiết này là gì nhưng có thể hiểu đó là điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế khác (sinh sống cùng nơi cư trú hoặc cho người được giám hộ cùng cư trú, sinh sống với mình hoặc có thể thường xuyên giám sát, quản lí được người được giám hộ).
Xem thêm: Điều kiện chung đối với người giám hộ là gì?
3. Hồ sơ đăng ký người giám hộ
Giấy tờ phải nộp
– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu.
– Văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử.
– Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương nhiên. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
Giấy tờ phải xuất trình
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký giám hộ.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ (trong giai đoạn chuyển tiếp).
4. Trình tự đăng ký người giám hộ
– Người có yêu cầu đăng ký giám hộ nộp hồ sơ tại UBND cấp xã có thẩm quyền.
– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
– Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã.
Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.
Trên đây là bài viết Trình tự, thủ tục đăng ký người giám hộ. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Chào bán cổ phiếu ra công chúng theo Luật chứng khoán 2019 là gì?
Chào bán cổ phiếu ra công chúng là một trong hai phương thức chào bán cổ phiếu phổ biến hiện nay. Vậy Luật chứng khoán [...]
Quy định về mức bồi thường đối với người bị bệnh nghề nghiệp
Quy định về mức bồi thường đối với người bị bệnh nghề nghiệp được ghi nhận tại Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ [...]