06 vấn đề cần lưu ý về bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng
Những vấn đề xung quanh về phạt vi phạm hợp đồng được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm. Sau đây, LawKey xin đưa ra 06 vấn đề cần lưu ý về bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng:
Mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự là bao nhiêu?
Căn cứ Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, việc phạt vi phạm hợp đồng dân sự không có mức quy định cụ thể mà dựa vào thỏa thuận của hai bên.
Trong hợp đồng dân sự, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt và vừa bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ chịu phạt vi phạm. Đúng hay sai?
Đúng. Căn cứ Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Giá trị bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại bao gồm những khoản nào?
Căn cứ Khoản 3 Điều 302 Luật thương mại năm 2005, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công là bao nhiêu?
Căn cứ Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng xây dựng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng với bên kia. Đúng hay sai?
Đúng. Căn cứ Khoản 6 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về 06 vấn đề cần lưu ý về bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp nhanh nhất.
Thủ tục đăng ký hạn mức tự doanh theo quy định mới nhất
Hồ sơ đăng ký hạn mức tự doanh bao gồm những giấy tờ nào? Trình tự, thủ tục đăng ký hạn mức tự doanh theo quy định [...]
Có được cộng dồn thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng nhưng chưa thực hiện kê khai để hưởng [...]