Nhân tình của chồng có thể được hưởng di sản thừa kế không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản của mình. Vậy liệu nhân tình của chồng có thể được hưởng di sản thừa kế không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nhân tình của chồng có thể được hưởng di sản thừa kế
Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng. Và tài sản này được xác định gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Bên cạnh đó, tài sản chung còn là tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Bên cạnh đó, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn cũng là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Có thể thấy, đối với tài sản chung của vợ chồng thì mỗi cá nhân vợ/chồng chỉ được định đoạt một nửa trong khối tài sản chung của họ nếu lập di chúc.
Theo khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc có nhân tình trong thời kỳ hôn nhân là một trong những vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quyền thừa kế thì căn cứ theo Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để để định đoạt tài sản của mình. Do vậy, các chủ thể khác có nghĩa vụ tôn trọng, không có quyền hạn chế, phản đối việc người khác lập di chúc.
Nên trong trường hợp, người chồng lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho nhân tình đảm bảo di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì nhân tình vẫn được hưởng thừa kế theo di chúc. Được hưởng bao nhiêu % còn phụ thuộc vào nội dung di chúc do người lập di chúc để lại.
Nếu di chúc do người chồng để lại mà nội dung di chúc không đề cập đến vợ, con, cha mẹ mình thì theo Điều 644 Bộ luật Dân sự có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, quy định này cũng đồng nghĩa nhân tình sẽ không được hưởng hết số tài sản trong di chúc mà người vợ, con (chưa thành niên hoặc không có khả năng lao động), cha, mẹ của người để lại di chúc vẫn đương nhiên được hưởng thừa kế theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự mà không phụ thuộc nội dung di chúc.
Bên cạnh đó, theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp… thì di sản thừa kế của người chết để lại sẽ được chia theo pháp luật.
Và việc chia thừa kế theo pháp luật được thực hiện theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo quy định này, thì nhân tình sẽ không được hưởng di sản thừa kế.
Như vậy, nhân tình chỉ được hưởng di sản thừa kế của chồng khi người đó để lại di chúc thừa kế cho nhân tình.
>>Xem thêm: Cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe tại Thái Bình xử lý những người chịu trách nhiệm như thế nào
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi về: Nhân tình của chồng có thể được hưởng di sản thừa kế không? Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi đáp ứng các điều [...]
Hoà giải trong giải quyết việc thuận tình ly hôn
Hoà giải trong giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn là thủ tục bắt buộc sau khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu của người [...]