Quy định về người lao động chưa thành niên
QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN
Người lao động có nhiều loại độ tuổi khác nhau, khi tham gia vào một quan hệ lao động nhất định, cần phải nắm rõ những quy định của pháp luật – những quy định áp dụng đối với độ tuổi của mình. Từ đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ hiểu rõ các yêu cầu, quy chuẩn của pháp luật đối với độ tuổi lao động đó. Trong bài viết này, Lawkey xin thông tin tới bạn đọc những quy định pháp luật về người lao động chưa thành niên.
1.Những quy chuẩn riêng và nguyên tắc sử dụng người lao động chưa thành niên
1.1. Những quy chuẩn riêng khi sử dụng người lao động chưa thành niên
Người lao động chưa thành niên theo điều 161 Bộ luật lao động 2012 là người lao động dưới 18 tuổi. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động lưu ý tới một số quy chuẩn theo Điều 162 Luật này như sau:
– Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.
– Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
1.2. Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên:
Theo Điều 163 Bộ luật lao động 2012, khi sử dụng người lao động là người chưa thành niên, người sử dụng lao động thực hiện sử dụng dựa theo những nguyên tắc sau:
– Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
– Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.
Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
– Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác;
– Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá.
2.Sử dụng lao động dưới 15 tuổi
Người lao động trong khoảng từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi, người lao động dưới 13 tuổi được pháp luật về lao động đặt ra những quy định riêng, từ các công việc được làm đến yêu cầu bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Cụ thể, theo Điều 164, người sử dụng lao động phải mang những trách nhiệm sau:
– Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Đó là những công việc được quy định cụ thể tại mục II của thông tư 11 năm 2013 của Bộ lao động thương binh xã hội: Những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc (được liệt kê bên dưới); Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế; Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he; Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình; Nuôi tằm; Gói kẹo dừa./.
– Khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi hoặc người lao động dưới 13 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
+ Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi hoặc người dưới 13 tuổi;
+ Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em;
+ Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
– Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Đó là các công việc: Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước); Vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền (theo muc I thông tư thông tư 11 năm 2013 của Bộ lao động thương binh xã hội).
3.Các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên
Vì là đối tượng lao động tuổi đời còn thấp, sức khỏe, năng lực hành vi lao động không thể giống với người lao động thành niên, nên pháp luật lao động đưa ra những công việc và nơi làm việc bị cấm, buộc người sử dụng lao động phải chấp hành.
Khoản 1 Điều 165 Bộ luật lao động 2012 quy định những công việc cấm sử dụng người lao động chưa thành viên là: Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; Phá dỡ các công trình xây dựng; Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ; Công việc khác gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.
Khoản 2 Điều 165 Bộ luật lao động 2012 quy định những nơi cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc là: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.
Trên đây là nội dung quy định về người lao động chưa thành niên LawKey gửi đến bạn đọc.
Thế nào là khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định?
Những nội dung bạn đọc cần biết về các trường hợp, mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh đúng tuyến theo [...]
Quy định về báo cáo sử dụng lao động đối với doanh nghiệp
Quy định về báo cáo sử dụng lao động của doanh nghiệp Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP hướng dẫn [...]