Xử phạt hành vi không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động như thế nào?
Mức phạt đối với hành vi không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động là bao nhiêu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Công ty có bắt buộc phải công khai thông tin đóng BHXH của người lao động không?
Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, theo quy định nêu trên, hằng năm, công ty phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định.
Không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động bị phạt bao nhiêu?
Theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
- Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
Người lao động có quyền yêu cầu công khai thông tin đóng BHXH không?
Quyền của người lao động được quy định Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
♦ Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
♦ Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
♦ Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
- Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
- Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
- Thông qua người sử dụng lao động.
♦ Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
- Đang hưởng lương hưu;
- Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
- Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
- Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
♦ Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
♦ Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
♦ Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
♦ Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
>>Xem thêm: Số ngày hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm là bao nhiêu?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Hoà giải trong giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn
Hoà giải trong giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn là thủ tục bắt buộc sau khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu của người [...]
Phân biệt trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp đều là những khoản tiền mà người lao động nhận [...]