Giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu
Giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu
Giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Luật quản lý ngoại thương năm 2017 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP . Bài viết này sẽ tập trung phân tích các quy định của pháp luật về giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu.
1. Mục đích của giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu
Điều 36 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 đã giải thích về giấy chứng nhận lưu hành tự do như sau: là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Theo quy định của pháp luật thì giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do – CFS được xem là một công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm có thể kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, cũng như tăng độ tin cậy, vì khi một sản phẩm có CFS thì tức sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và sản phẩm đó đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước đó. Ngược lại đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi đã xin được giấy chứng nhận CFS, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc lưu hành sản phẩm của mình tại nước bạn, không bị mất nhiều thời gian, cũng như những chi phí không đáng có khác.
Từ những phân tích trên, có thể nhận xét rằng giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu giúp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền ở nước nhập khẩu kiểm tra được mức độ chất lượng, mức độ tin cậy đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu.
Giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về các loại hàng hóa nhập khẩu yêu cầu có CFS và cơ quan có thẩm quyền quản lý CFS đối với các loại hàng hóa đó. Hiện nay, danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS được Chính phủ quy định và ban hành kèm theo tại phụ lục V Nghị Định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018. Dựa trên cơ sở Danh mục này, căn cứ theo tình hình thực tế trong từng thời kì, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành danh sách các hàng hóa nhập khẩu cụ thể bắt buộc phải có CFS. Điều này đã được hướng dẫn rõ tại khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
“1. Ban hành Danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS quy định tại Phụ lục V Nghị định này.
2. Căn cứ yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ và trong phạm vi Danh mục hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi Tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp CFS kèm theo mã HS hàng hóa.
Thứ hai, về nội dung giấy phép lưu hành tự do hàng hóa nhập khẩu. Với mục đích kiểm tra chất lượng, độ tin cậy của hàng hóa nhập khẩu, do đó giấy phép lưu hành tự do hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải đáp ứng tổi tiểu các thông tin sau đây để bảo đảm tính chính xác:
– Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.
– Số, ngày cấp CFS.
– Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
– Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
– Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
– Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.
– Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Ngoài những nội dung chính nêu trên, tại Điều 10 Nghị định 69/2018 cũng quy định các trường hợp khác liên quan đến giấy phép lưu hành tự do hành hóa xuất khẩu như sau:
– Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý quy định cụ thể trường hợp CFS được áp dụng cho nhiều lô hàng.
– Trường hợp có yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý, CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.
– Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung CFS, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Trên đây là nội dung quy định Giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu, Lawkey gửi đến bạn đọc.
Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Trong trường hợp nào thì phải cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá? hồ sơ, trình [...]
Áp dụng kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng khi nào?
Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước [...]