Các trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/03/1018 Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa chính thức có hiệu lực từ ngày 08/03/2018. Nghị định này hướng dẫn chi tiết về các quy định xuất xứ hàng hóa. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiếu tới quý bạn đọc về các trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trên thực tế, sau khi thương nhân được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, họ có nhu cầu được cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vậy pháp luật quy định những trường hợp nào được cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do những sự kiện bất khả kháng như bão, lũ, cháy… làm mất, hư hỏng, thất lạc giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể do sự vô ý của thương nhân dẫn tới làm mất, thất lạc. Vậy khi để mất, thất lạc, hư hỏng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thương nhân cần làm thủ tục gì để được cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì thương nhân nộp đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho cơ quan, tổ chức Giấy chứng nhận xuất xứ hàng, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại trong trường hợp này sẽ ghi số tham chiếu và ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng và phải được đóng dấu “CERTIFIED TRUE COPY”. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Hiệu lực của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại có giá trị không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng.
Trường hợp 2. Trong trường hợp cần tách Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp thành 2 hay nhiều bộ
Đây là trường hợp thương nhân muốn tách giấy chứng nhận đã được cấp thành nhiều bộ khác nhau. Đối với trường hợp này, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp đơn đề nghị theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nêu rõ lý do cần tách Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. nếu có khác biệt với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó thì thương nhân nộp hồ sơ bổ sung theo quy định tại Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, bản gốc và các bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó.
Theo quy định của pháp luật, “ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp lại trong trường hợp này có một bộ ghi số tham chiếu và ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó và ngày cấp mới, các bộ còn lại ghi số tham chiếu mới và ngày cấp mới. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại chỉ được cấp trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.
Trường hợp 3. Trong trường hợp hàng hóa tái nhập khẩu để tái chế, chuyển sang nước nhập khẩu khác
Khác với hai trường hợp trên, đây là trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng tái nhập để tái chế chuyển sang nước khác nhập khẩu. Thủ tục tiến hành xin cấp lại trong trường hợp này tương tự như hai trường hợp 2.
Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp hàng hóa tái nhập khẩu để tái chế, chuyển sang nước nhập khẩu khác, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp đơn đề nghị theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại; nộp hồ sơ bổ sung theo quy định tại Điều 15 Nghị định này (nếu có khác biệt với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó), bản gốc và các bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó.”
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại chỉ được cấp trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp 4. Trong trường hợp do lỗi hoặc sai sót không cố ý trên bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp
Đây là trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bản gốc đã được cấp có sự sai sót về các thông tin. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cấp lại cho trường hợp việc sai sót là năm ngoài ý muốn. Có thể do thương nhân khi tiến hành làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã vô tình để sai. Cũng có thể là do chuyên viên khi tiến hành cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập sai thông tin…
Đối với trường hợp này, hiện nay Nghị định 31/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện như sau: “Trong trường hợp do lỗi hoặc sai sót không cố ý trên bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp, thương nhân nộp đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan, tổ chức đã cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại; nộp bản gốc và các bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp lại trong trường hợp này ghi số tham chiếu và ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó và ngày cấp mới.”
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại chỉ được cấp trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trên đây là bốn trường hợp thương nhân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đối với trường hợp 1, 2, 3 như đã trình bày ở trên, nếu bản gốc và các bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó chưa được thu hồi tại thời điểm đề nghị cấp lại, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại lấy số tham chiếu mới, ngày cấp mới và được đánh máy nội dung “THIS C/O REPLACES THE C/O No. (số tham chiếu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó) DATED (ngày phát hành Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó)”.
Trên đây là những quy định của pháp luật về các trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Lawkey gửi đến bạn đọc!
Hợp đồng bao thanh toán giữa khách hàng và tổ chức tín dụng
Khi khách hàng có nhu cầu, khách hàng gửi tổ chức tín dụng hồ sơ đề nghị bao thanh toán. Tổ chức tín dụng xem xét, quyết [...]
Các loại thời hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Các loại thời hiệu được pháp luật quy định tại Điều 150 Bộ luật dân sự 2015. Vậy hiểu thế nào về nội dung của [...]