Quy định về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Luật quản lý ngoại thương năm 2017 chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Trong Luật quy định cụ thể về lĩnh vực xuất nhập khẩu như: Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu…Bài viết này sẽ làm sáng tỏ các quy định về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trong Luật quản lý ngoại thương năm 2017.
1.Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu là gì?
Trong xu thế toàn cầu hóa, sự giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế của một quốc gia. Để bảo vệ nền kinh tế phát triển bền vững, bảo đảm anh ninh trật tự, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, các quốc gia phải đặt ra các biện pháp cần thiết.
Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu là một trong những biện pháp hành chính để giải quyết những vấn đề vừa nêu ra ở trên. Theo Điều 11 Luật quản lý ngoại thương năm 2017, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được hiểu là:
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hàng hóa bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật quản lý ngoại thương.
Chương V Luật quản lý ngoại thương quy định về “biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương”. Cụ thể, Điều 100 quy định chi tiết các trường hợp áp dụng biển pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa như sau:
“1. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
- Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
- Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.”
Việc thực hiện áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa phải tuân thủ theo nguyên tắc được quy định tại Điều 101 và phải thực hiện tham vấn khi áp dụng biện pháp này.
(Tham khảo điều 101 Luật quản lý ngoại thương:
- “Biện pháp kiểm soát khẩn cấp chỉ được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Điều 100 của Luật này.
- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo quy định tại Chương II của Luật này.
- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp phải đánh giá, lựa chọn biện pháp gây ít cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương.
- Biện pháp kiểm soát khẩn cấp được bãi bỏ khi không còn các trường hợp quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc thông qua thương lượng, đàm phán.”)
Thứ hai, hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Trường hợp này được hiểu là, khi hàng hóa thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhưng chưa được liệt kê trong danh mục hành hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu thì lúc này sẽ áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
3. Bãi bỏ áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Việc bãi bỏ áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật quản lý ngoại thương: “Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu bị bãi bỏ khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc hàng hóa không còn thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, có hai trường hợp bãi bỏ thực hiện áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Một là bãi bỏ khi đã hết thời hạn tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Hai là bãi bỏ khi hàng hóa không nằm trong các trường hợp hợp áp dụng biển pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa.
4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khâu, tạm ngừng nhập khẩu.
Hiện nay, thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thuộc về bộ trưởng Bộ công thương. Cụ thể, Điều 13 Luật quản lý ngoại thương quy định như sau:
“1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
- Bộ Công Thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này”.
5. Các trường hợp ngoại lệ
Khi thuộc vào một trong các trường như đã phân tích ở trên, hàng hóa sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quy định định tại Điều 14 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 thì vẫn có những trường hợp ngoại lệ đối với biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Cụ thể như sau:
“1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này”.
Trên đây là những Quy định về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của luật Quản lý ngoại thương mới, Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy lên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội khi mua chưa đủ 5 năm
Điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội khi mua chưa đủ 5 năm được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]
Có lương hưu có được giảm trừ gia cảnh không?
Cha mẹ tôi có lương hưu thì tôi có được giảm trừ gia cảnh hay không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]